Biển báo “đánh đố” người đi đường

Theo tổ công tác của Bộ GTVT, hiện ở TP.HCM phần lớn biển báo chưa phù hợp với Quy chuẩn Việt Nam 41:2012/BGTVT (Quy chuẩn 41). Từ đây dẫn đến cách hiểu khác nhau của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường, còn người dân thì bị phạt… oan.

Không thấy biển báo vì gắn không đúng chuẩn

Hồi đầu tháng 3, anh Lê Hoàng Nam, công tác ở quận 7, lái xe dưới 16 chỗ trên xa lộ Hà Nội bị CSGT thổi lại, bắt lỗi đi sai làn đường. Anh Nam cho rằng trên quãng đường vừa đi qua, anh không thấy có biển hiệu lệnh/chỉ dẫn phân làn đường. CSGT chỉ cho anh một biển báo bên lề phải, hướng dẫn đường được phân chia sáu làn cụ thể. Tuy nhiên, do đường rộng, xe bị che tầm nhìn bởi nhiều xe container cùng lưu thông, hơn nữa biển báo gắn thấp rất khó nhìn thấy nên tài xế đành... chịu thua.

Một trường hợp khác, anh Lâm Sơn, làm việc ở Bình Chánh, chạy xe bốn chỗ trên đường Phạm Văn Đồng thì bị CSGT thổi, bắt lỗi chạy quá tốc độ. Anh Sơn cho rằng đoạn đường này không có biển báo tốc độ hạn chế gắn trên trụ tròn như Quy chuẩn 41 nên anh không vi phạm. CSGT chỉ cho anh thấy vòng tròn hạn chế tốc độ được vẽ ghép trên biển hiệu lệnh/chỉ dẫn làn đường gắn trên giá long môn phía trên.

Những biển báo có lúc gắn quá cao, có lúc lại gắn quá thấp, khuất tầm nhìn, nhiều nội dung cùng thể hiện chung trên một bảng như “thách thức” người lưu thông. Trên con đường đẹp nhất TP hiện nay là đường Phạm Văn Đồng có rất nhiều biển báo đặt bên trái hướng xe đi, có mép dưới cách mặt đất chưa tới 1,5 m, trong khi theo Quy chuẩn 41 phải từ 1,8 m. Những tấm biển này còn vươn ra cả làn đi của xe máy khiến các phương tiện rất dễ bị va quẹt vào, gây nguy hiểm.

 
Dạng biển báo “tích hợp” nằm ngoài Quy chuẩn 41 có trên nhiều tuyến đường đang được Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT công nhận. Ảnh: L.ĐỨC

Hiểu và hành khác nhau

Theo một cán bộ Sở GTVT, tại những tuyến đường mới, hiện đại bậc nhất như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1 (từ cầu Đồng Nai đến vòng xoay An Lạc)... rất khó đặt trụ dưới lòng đường để lắp biển báo theo Quy chuẩn 41 vì sẽ bị xe… tông gãy. Nên phải sử dụng giá long môn hoặc cần vươn để gắn những biển chỉ dẫn ghép với biển cấm như trên. Loại biển này được Sở GTVT gọi là biển tích hợp.

Ông Lê Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT số 5, cho biết vì tích hợp nhiều nội dung nên các biển này chỉ còn mang tính chỉ dẫn, cảnh báo chứ không đủ giá trị của loại biển báo cấm, biển hiệu lệnh để làm căn cứ xử phạt. Thiếu tá V.A, Đội CSGT Bình Triệu, cho rằng nơi nào có vẽ ghép vòng tròn hạn chế tốc độ trên biển chỉ dẫn thì CSGT có quyền “bắn” và xử phạt vi phạm tốc độ. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng Thanh tra GTVT cũng chỉ chủ yếu nhắc nhở thay vì xử phạt người vi phạm.

Theo Trung tá Phạm Văn Tuyến, Phó Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái, trên giá long môn hoặc cần vươn, chiếu theo chiều thẳng đứng của từng làn xe, ngành giao thông vẫn có thể lắp đặt ba biển báo theo bốn cách: theo chiều ngang, dọc, hình tam giác đều thường hoặc tam giác đều ngược. Các biển này thể hiện đủ loại chỉ dẫn, hiệu lệnh (hướng, làn đi, loại xe) và cả biển báo cấm (tốc độ, dừng đậu)… “Đề xuất này đã được các đội CSGT và Phòng CSGT (PC67) chuyển đến Sở GTVT nhưng chưa thấy phản hồi” - Trung tá Tuyến nói.

Biển báo tích hợp là “sáng tạo” riêng, ngoài Quy chuẩn 41 của Sở nhằm tiết kiệm số lượng biển báo trên cùng một vị trí. Mới đây, ngày 16-4, Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Bùi Xuân Cường ký Văn bản số 2540/SGTVT-KT kiến nghị Bộ GTVT cho phép sử dụng loại biển báo tích hợp này.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

 

Đường đẹp không dành cho người khuyết tật

Theo Trung tá Hoàng Văn Hậu, Phó Đội trưởng Đội CSGT Hàng Xanh, đường Phạm Văn Đồng không dành cho người khuyết tật. Lý do là tại nhiều hành lang dành cho người đi bộ, người khuyết tật bị ngăn cắt bởi các dải, đảo phân cách. Người khuyết tật sử dụng xe lăn sẽ không thể đi được trên hành lang này.

Hiện nay ở nước ta, phần lớn các giao lộ vạch dừng trùng với trụ đèn tín hiệu, biển báo. Trong khi theo ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, thì các nước quanh ta, ngay cả Campuchia đều bố trí trụ đèn tín hiệu ở phía đối diện bên kia giao lộ để đảm bảo tầm và góc nhìn phải/trái, lên/xuống cho người đi đường.

Mới đây, Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Bùi Xuân Cường đã ký văn bản đề nghị Bộ GTVT hướng dẫn khoảng cách tối thiểu/tối đa từ vạch dừng đến trụ đèn tín hiệu để đảm bảo tầm nhìn cho người lái xe các loại. Mong là từ sự điều chỉnh này người đi đường sẽ không phải “ngửa mặt lên trời mà đi” nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm