Bình Phước cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã có văn bản yêu cầu các sở ngành liên quan triển khai cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - viết tắt “GII”) theo Nghị quyết số 19, ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Bình Phước đang tích cực cải thiện chất lượng phục vụ  người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Lê Thoa  

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm đã giao Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh rà soát, đánh giá hiện trạng của tỉnh Bình Phước theo các chỉ số đã được Chính phủ phân công các địa phương phối hợp thực hiện. Chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và thực hiện các giải pháp cải thiện các chỉ số tại tỉnh; duy trì, phát huy các chỉ số có điểm số và thứ hạng tốt, đồng thời tập trung cải thiện các chỉ số có điểm và thứ hạng thấp hoặc có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, các Bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai nhiệm vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ đã được Chính phủ phân công tại Nghị quyết trên. 

Trong Nghị quyết số 19 của Chính phủ đặt ra mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Cụ thể là đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 45 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); đến năm 2020 các chỉ số đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của WIPO) đạt trung bình ASEAN 59.
Về thực hiện Chính phủ điện tử (theo cách tiếp cận của Liên hợp quốc): Cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm hạ tầng viễn thông (TII), nguồn nhân lực (HCl) và dịch vụ công trực tuyến (OSI); phấn đấu đến hết năm 2017 xếp hạng thứ 80; đến năm 2020 đạt trung bình ASEAN 515 về điểm số và thứ hạng tối thiểu thứ 70 trên thế giới. Phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Theo Cục Thông tin KH&CN quốc gia, ngày 15-6-2017 tại Geneva (Thụy Sỹ), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) kết hợp với Trường Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) đã công bố báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (GII 2017). Theo kết quả công bố, Việt Nam đã tăng hạng khá ấn tượng, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc). Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Việt Nam còn đứng vị trí số 1 về chỉ số GII 2017 trong số các nước có thu nhập trung bình thấp.
GII bao gồm nhiều tiểu chỉ số trên một tiêu chí. GII 2017 được tổng hợp từ 81 tiểu chỉ số (được lấy từ hơn 30 nguồn tài liệu của các tổ chức công và tư quốc tế), trong đó có 57 chỉ số cứng, 19 chỉ số tổng hợp và 5 chỉ số từ các cuộc điều tra trong các lĩnh vực: Thể chế/tổ chức, nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển kinh doanh, đầu ra công nghệ và tri thức, kết quả sáng tạo. Các tiểu chỉ số này được phân chia theo 7 trụ cột, trong đó có 5 trụ cột đầu tiên thuộc “Nhóm tiểu chỉ số đầu vào của đổi mới sáng tạo và 2 trụ cột sau cùng thuộc “Nhóm tiểu chỉ số đầu ra của đổi mới sáng tạo”.
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm