Bình Thạnh (TP.HCM): Muỗi tiếp tục hoành hành khu dân cư

Thời gian qua, cuộc sống của người dân quanh khu vực rạch Lăng (phường 11, 12, 13, quận Bình Thạnh) luôn bị xáo trộn do từ sáng đến đêm họ bất đắc dĩ phải sống chung với muỗi. Theo nhiều người dân, nếu gọi nơi đây là ổ muỗi của TP cũng không ngoa...

Ăn, ngủ cùng muỗi

“Trước giờ ở khu vực này lúc nào cũng có muỗi nhưng khoảng hai tháng trở lại đây, muỗi xuất hiện nhiều khủng khiếp. Muỗi bay trước mặt người từ sáng tới chiều, đến sẩm tối lại túa ra đen đặc, giơ tay bừa cũng tóm được vài con. Tôi đã phải đưa đứa cháu ngoại sang bên quận 7 để tránh bị muỗi chích” - bà Lê Thị Thăng (khu phố 1, phường 13) phàn nàn.

Không chỉ ở phường 13, thời gian này hầu hết khu dân cư quanh khu vực rạch Lăng, cầu Băng Ky, cầu Đỏ... thuộc các phường 11, 12, 24, 25, 26 của quận Bình Thạnh đều bùng phát dịch muỗi. Chị Nguyễn Thị Tố Trinh, nhà sát mép rạch Lăng, dưới chân cầu Băng Ky, cho biết: “Rạch Lăng là nơi sinh sôi, nảy nở của muỗi bởi nơi đây lúc nào nước cũng tù đọng đen sì, đặc quánh. Ở đây nhà nào cũng phải lo ăn cơm sớm, chứ đến chập tối, khi muỗi túa ra thì không nuốt nổi cơm. Năm trước, khi quận tổ chức phun thuốc trong nhà, ven kênh, kết hợp vớt hết lục bình trên rạch, người dân đã mừng vì muỗi giảm trông thấy. Nhưng chỉ hai, ba tháng sau, khi lục bình bắt đầu kín rạch thì muỗi lại hoành hành còn dữ hơn trước”.

Bình Thạnh (TP.HCM): Muỗi tiếp tục hoành hành khu dân cư ảnh 1

Rạch Lăng với dòng nước đen ngòm, đầy lục bình và rác là nơi sinh sôi của muỗi (Ảnh chụp dưới chân cầu Băng Ky ngày 24-2) Ảnh: THU HƯƠNG

Để đối phó với đàn muỗi đói ngoài kênh, ngoài việc giăng mùng khi ngủ, người dân các khu vực này thường xuyên sử dụng nhang muỗi, bình xịt côn trùng, đèn dụ muỗi, vợt điện... cả ngày lẫn đêm. Nhưng theo chị Lại Tú Anh (khu phố 5, phường 13) thì “các biện pháp trên cũng chỉ là đối phó tạm thời vì muỗi ở đây đã lờn thuốc. Con tôi ngồi học bài, để nhang trừ muỗi dưới chân nhưng vẫn bị muỗi chích chi chít”.

Diệt mãi không xong

Không phải chỉ bây giờ mà từ nhiều năm nay, người dân các khu vực này luôn phải đau đầu vì nạn muỗi. Cho dù người dân và chính quyền đã dùng đủ biện pháp nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm. Ông Hoàng Đình Lê (nhà sát ngay chân cầu Băng Ky) ngao ngán: “Năm nào quận cũng phun thuốc nhưng chỉ đỡ muỗi vài ngày rồi lại đâu vào đó, giống như ném đá xuống ao bèo vậy”.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh Nguyễn Văn Mừng xác nhận: Trung tâm đã phun thuốc diệt muỗi cả trước và sau tết Nguyên đán (trước tết phun 30 lít, sau tết phun thêm 15 lít nữa). Tuy nhiên, phun thuốc chỉ giải quyết được phần ngọn, chỉ vài ngày sau muỗi đã xuất hiện lại. Nguyên nhân là do môi trường nơi đây có nhiều điểm ao tù nước đọng, thuận lợi cho muỗi sinh sản.

Theo người dân, để tận diệt được muỗi đòi hỏi phải kết hợp nhiều biện pháp: vừa phun thuốc, vừa nạo vét kênh, dọn rác và lục bình để khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề nan giải, bởi việc nạo vét, khơi thông dòng chảy hiện đã được phân cấp cho quận, Sở Tài nguyên và Môi trường không còn chịu trách nhiệm. “Như vậy tất cả mọi việc quận đều phải đứng ra gánh nhưng chúng tôi chưa biết sẽ xoay xở thế nào vì gặp khó cả về kinh phí, phương tiện lẫn nhân lực” - một lãnh đạo quận Bình Thạnh than.

Dự kiến ngày 11-3, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài xuống kiểm tra tình hình diệt muỗi tại quận Bình Thạnh. Khi đó có thể những cái khó của quận Bình Thạnh sẽ được tháo gỡ.

THU HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm