Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình:

Bình Thuận cần phát huy lợi thế về biển

Hội nghị có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và hơn 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự.

Phát huy lợi thế

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, khẳng định: Bình Thuận có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế và là cầu nối giữa các vùng Đông Nam bộ - Tây Nguyên - Nam Trung bộ, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh đang hội tụ rất nhiều điều kiện để doanh nghiệp đầu tư thành công. Đặc biệt nhất là đột phá về hạ tầng giao thông khi các dự án trọng điểm như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Nha Trang đang gấp rút triển khai, cảng quốc tế Vĩnh Tân đi vào hoạt động…

Tỉnh đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các quy hoạch, danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào ba trụ cột kinh tế chính gồm: Du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư; công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thông minh.

Phát biểu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Bình Thuận có lợi thế lớn về phát triển kinh tế biển và cần khai thác hiệu quả các nguồn lực, xây dựng Bình Thuận có trình độ phát triển cao trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Thuận cần làm tốt quy hoạch và quản lý quy hoạch của tỉnh, quy hoạch vùng tích hợp vào quy hoạch quốc gia trên cơ sở quy hoạch ba lĩnh vực trọng tâm: Năng lượng sạch, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, tỉnh cần lưu ý tới quy hoạch chuỗi đô thị ven biển, tạo ra quỹ đất sạch, quy mô để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp lớn đầu tư.

Trong xu thế phát triển xanh và bền vững, Bình Thuận cần khai thác và biến những bất lợi trước đây như biển, nắng, gió, cát… thành lợi thế để phát triển, trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, nhất là năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời…

Dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trao giấy chứng nhận đầu tư cho cách doanh nghiệp.  Ảnh: PN

Xây dựng chính quyền kiến tạo

Bình Thuận cũng cần tiếp tục thu hút các dự án tầm cỡ, gắn phát triển du lịch với nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, đảo để tạo ra nhiều sản phẩm nổi bật và tạo môi trường du lịch lành mạnh, văn minh, hấp dẫn để thu hút và giữ chân du khách.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh chú trọng xây dựng Bình Thuận thành một chính quyền nhân dân, chính quyền kiến tạo, hiện đại, đối thoại và đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân; xử lý những trường hợp nhũng nhiễu, quan liêu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; minh bạch các chính sách, chủ trương và có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư…

Về phía doanh nghiệp, Phó Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư cần có chiến lược kinh doanh lâu dài và thực hiện đúng cam kết đầu tư, đồng thời thể hiện trách nhiệm với môi trường, với người dân địa phương. Các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tiếp tục tạo điều kiện để Bình Thuận tháo gỡ những vướng mắc như chồng lấn quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông… để Bình Thuận có bước tiến mới.

Tại hội nghị, tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đầu tư trên 23.000 tỉ đồng. Đồng thời UBND tỉnh đã ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 19 tỉ USD và gần 30.700 tỉ đồng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Trước đó, vào chiều 21-9, Phó Thủ tướng có buổi làm việc với lãnh đạo của tỉnh Bình Thuận về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015-2020) và kế hoạch năm năm 2021-2025 về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng cho rằng từ năm 2017 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế và đầu tư. Năm 2018, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né và tỉnh đã chấp thuận đầu tư 264 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 53.000 tỉ đồng...

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng đã biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận, đồng thời chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng có mặt chưa vững chắc, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nhiều sản phẩm truyền thống chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Tỉnh còn có sự chồng lấn quy hoạch sa khoáng, titan với các quy hoạch khác đã và đang là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi, có thời điểm còn diễn biến phức tạp. Nắm thông tin, dự báo tình hình, tham mưu triển khai các nhiệm vụ có lúc, có việc chưa kịp thời, xử lý một số tình huống phát sinh còn lúng túng.

Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bình Thuận khắc phục các hạn chế để đưa địa phương phát triển… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm