Bộ Công an báo động về băng nhóm nhí

“Thanh thiếu niên tụ tập thành băng nhóm rất nhanh”. Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã báo động như thế tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) ngày 21-9. Tại phiên họp này, TVQH đã nghe và thảo luận về các báo cáo tư pháp năm 2016 của chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.

Gần 80% tội phạm dưới 30 tuổi

Báo cáo trước Ủy ban TVQH, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận định tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm “diễn biến rất phức tạp”. Đáng chú ý, thống kê cho thấy tội phạm đang ngày càng trẻ hóa, đối tượng phạm tội từ dưới 30 tuổi chiếm đến 78%.

“Thanh thiếu niên tụ tập thành băng nhóm rất nhanh. Có những vùng thôn quê yên ả vừa qua tội phạm băng nhóm tập trung đến cả trăm người rồi sử dụng hung khí. Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng phần lớn đối tượng này đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thiếu gương mẫu, bạo lực gia đình...” - ông Tô Lâm nói.

Đề cập diễn biến tội phạm ở khu vực doanh nghiệp, Thượng tướng Tô Lâm cho biết có ý kiến nói công an hình sự hóa quan hệ kinh tế nhưng thực tế lại đáng báo động.

“Tội phạm hình sự cộm cán, có số có mũ lại nắm điều hành doanh nghiệp trên một số lĩnh vực như khai thác mỏ, san lấp mặt bằng, khai thác vận chuyển cát, đá sỏi... Có doanh nghiệp lập ra nhưng dưới trướng tụ tập đàn em đi đe dọa, bắn giết nhau giành giật thị trường” - Bộ trưởng Công an nói.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đang nêu ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21-9. Ảnh: TTXVN

Hành vi ăn cướp là không chấp nhận được!

Đề cập nguyên nhân, ông Tô Lâm bày tỏ băn khoăn về “những khoảng trống trong luật pháp”. Theo ông Lâm, hành vi trộm cắp, cướp giật xét về phong tục tập quán là không chấp nhận được, dù là cướp cái gì, vì gây mất an toàn xã hội.

“Quy định từ 2 triệu đồng trở lên mới bị xử lý thì rất khó, dẫn đến có loại ăn cắp cứ 1,8 hay 1,9 triệu đồng là không bị xử lý. Chưa kể việc giám định kết luận thế nào cũng phức tạp, cái xe đạp người này nói 2 triệu đồng nhưng người kia nói 1,9 triệu đồng” - ông Tô Lâm nêu ví dụ và cho rằng nếu công an không giải quyết sẽ dẫn đến tình trạng người dân tự xử, cả làng đánh chết đối tượng trộm chó vì bức xúc, dù giá trị con chó có khi chưa tới 2 triệu đồng.

“Hôm nay có thể cướp giật một ổ bánh mì, ngày mai cướp hai ổ bánh mì không phạm tội, không vấn đề gì vì vẫn là bánh mì nhưng hôm sau có thể cướp những thứ khác. Hành vi ăn cướp là không chấp nhận được, phải có sự nghiêm minh của luật pháp ở chỗ đó” - Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.

Cái nào không mật thì hãy giải mật

Trước khi trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo tư pháp (ngành công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao), chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp một lần nữa nêu ý kiến về việc đóng dấu mật trên các báo cáo tư pháp.

Bà Nga cho rằng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là công khai, không có gì là mật trong khi các báo cáo về công tác này lại đóng dấu mật. Điều này hạn chế quyền tiếp cận của người dân và đánh giá những hoạt động này, trong khi quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp là vấn đề lớn và đỉnh cao là quyền sống của họ.

“Ủy ban Tư pháp đến giờ này không thể tiếp tục trả lời các đại biểu rằng vì các cơ quan đóng dấu mật nên chúng tôi phải đóng dấu mật” - bà Nga nói.

Trên tinh thần đó, bà Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, bộ trưởng Bộ Tư pháp tách trong những báo cáo này nội dung nào là mật, số liệu nào là mật để giải mật những cái không cần thiết phải mật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm