Bộ Công an đề nghị tăng cường quản lý di dân

Để góp phần tăng cường quản lý và phát triển ổn định kinh tế-xã hội năm 2017, Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị cần tăng cường quản lý xã hội, tăng cường quản lý di dân, di cư.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (ảnh chụp qua màn hình)

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. (Ảnh chụp qua màn hình)

“Vấn đề di dân là vấn đề trên phạm vi quốc tế, nhiều quốc gia phải đối mặt và chúng ta có thể có ảnh hưởng. Chúng tôi đã có phương án đối với vấn đề di dân, di cư, các bất ổn của các nước xung quanh đối với nước ta nhưng đó là phạm vi quốc tế. Trong phạm vi quốc gia, chúng ta cũng nảy sinh các vấn đề di dân, di cư mà nếu không làm tốt sẽ gây nên những dấu hiệu bất ổn trong điều hành, quản lý” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng dẫn chứng ở Tây Nguyên, trước đây có 1,1 triệu dân, bây giờ đã tăng lên 5,5 triệu người, nếu trong điều hành kinh tế-xã hội những chỉ số vẫn như cũ thì sẽ ảnh hưởng đến định hướng phát triển chung và ổn định trong nhân dân.

“Nhiều địa phương dân lao động, di cư nơi khác đến còn đông hơn dân ở đó, gây khó khăn cho việc quản lý, nhiều địa bàn xã, huyện dân nhập cư nhiều hơn dân tại chỗ. Đây là vấn đề bức xúc, tạo xung đột xã hội, gây mất ổn định xã hội” - Bộ trưởng cảnh báo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận kiến nghị này của Bộ trưởng Tô Lâm và cho biết Bộ NN&PTNT quản lý nhà nước về vấn đề di dân. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì một hội nghị riêng bàn về việc này.

Băng nhóm tội phạm nguy hiểm núp bóng doanh nghiệp

Trước đó, đánh giá về hoạt động của ngành trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Bộ đã tham mưu cho Chính phủ nhiều chủ trương giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Ngành công an cũng chủ động phát hiện những sơ hở, yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại, từ đó kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại các ngân hàng, góp phần lành mạnh hóa hoạt động tài chính ngân hàng.

Bộ Công an cũng chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đảm bảo an ninh, an toàn cho các công trình trọng điểm quốc gia, kịp thời đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động thông qua kinh tế để chuyển hóa chính trị

“Lần đầu tiên Bộ Công an đề xuất Bộ Chính trị ban hành chỉ thị về an ninh kinh tế để chống chệch hướng những diễn biến trong kinh tế và sắp tới sẽ triển khai” - người đứng đầu ngành công an cho biết.

Cụ thể, lực lượng công an liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hình sự, triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm núp bóng các doanh nghiệp. Năm 2016, toàn lực lượng đã triệt phá gần 2.000 băng, ổ nhóm, tội phạm; trong đó có nhiều băng, ổ nhóm nguy hiểm, núp bóng các công ty, doanh nghiệp để hoạt động chống phá, ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh, hoạt động bình thường của các doanh nghiệp.

“Sự xâm nhập, can thiệp của tội phạm hình sự, kinh tế thông qua các hoạt động kinh tế để thu nạp các đối tượng tiền án, tiền sự, các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, đâm thuê chém mướn, cưỡng đoạt tài sản, tín dụng đen, xiết nợ, đòi nợ thuê để can thiệp vào các hoạt động đấu thầu, các hoạt động kinh tế… đã đe dọa đến an ninh, an toàn và lợi ích của doanh nghiệp” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Trong năm, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý gần 17.000 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, 224 vụ vi phạm pháp luật về tham nhũng, trong đó có nhiều vụ án kinh tế tham nhũng lớn, tính chất phức tạp; xử lý hơn 17.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường…

Liên quan đến công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển ổn định, đã rà soát và kiến nghị đề xuất đơn giản hóa 120 thủ tục hành chính, bãi bỏ 25 thủ tục…, nổi bật là giảm thời gian cấp hộ chiếu từ 15 ngày xuống còn tám ngày, cấp thị thực và tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài từ một năm lên năm năm…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm