Bộ Giao thông vận tải trả lời chưa thỏa đáng về BOT

Ngày 9-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6.

Theo đó, cử tri quan tâm về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc gian lận thi cử; nạn chạy chức, chạy quyền, công tác cán bộ còn nhiều tồn tại nhưng ít bị phát hiện; việc thực hiện thu phí không dừng chậm gây nghi ngại có khuất tất nhưng có bộ, ngành liên quan còn trả lời rất chung chung…

Chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể

Trong lĩnh vực GD&ĐT, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện, cho hay: Cử tri TP Hà Nội nêu việc thay đổi đề án thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh. Cử tri nhiều tỉnh bất bình việc gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La và yêu cầu Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm của Bộ và các giải pháp khắc phục hậu quả.

Trong khi đó, Bộ GD&ĐT cho biết: Ngày 4-12-2018 đã thông báo nêu rõ kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm 2017 và 2018 nhưng có một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục hiện tượng gian lận. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 về cơ bản giữ nguyên phương án xét tuyển như năm 2017 và 2018.

Trong phần đánh giá việc trả lời kiến nghị cử tri, bà Hải nêu là một số văn bản trả lời, giải trình còn rất chung chung theo kiểu “đang chỉ đạo giải quyết”, thiếu thuyết phục.

Theo bà Hải, khi cử tri hàng loạt các tỉnh đề nghị Bộ GD&ĐT cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước và giải pháp khắc phục hậu quả trong các vụ việc gian lận thi cử thì Bộ lại chủ yếu nêu những giải pháp điều chỉnh, bổ sung trong kỳ thi sắp tới. Về trách nhiệm, Bộ GD&ĐT trả lời rất chung, chưa nêu rõ trách nhiệm trong việc ban hành các quy định về chấm thi, quản lý bài thi. Công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức kỳ thi tại các địa phương thiếu hiệu quả cũng chưa thấy Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm trong vấn đề này. “Đặc biệt, việc xử lý các cá nhân, tập thể của Bộ trong việc để xảy ra những tiêu cực thi cử cũng không được nhắc đến trong các văn bản trả lời với cử tri” - báo cáo đánh giá.

Cử tri cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường vì đã triển khai nhiều biện pháp nhưng hiệu quả chưa cao, tình trạng bạo lực học đường ngày càng diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn…

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trình bày dự thảo báo cáo của Ban Dân nguyện tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục kiến nghị về BOT

Đáng chú ý, theo bà Hải, việc giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến các dự án BOT giao thông như vị trí đặt trạm; công khai, minh bạch trong thu phí; chất lượng của các công trình BOT… chưa thỏa đáng nên cử tri tiếp tục kiến nghị.

Cụ thể, cử tri phản ánh về chất lượng của một số dự án, công trình BOT giao thông, vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí một số nơi còn chưa hợp lý. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong thu phí và quản lý lưu lượng xe lưu thông qua trạm, doanh thu tại các trạm chậm được triển khai, có nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước và quyền lợi của người dân.

Theo nghị quyết giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì “... Từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu giá dịch vụ không dừng đối với tất cả tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước”, đến nay việc triển khai thu phí dịch vụ không dừng tại các trạm BOT vẫn chậm, tỉ lệ đạt thấp. Vị trí đặt trạm BOT tại một số tuyến đường vẫn thiếu hợp lý, chưa đảm bảo khoảng cách tối thiểu theo quy định. “Người dân vẫn tiếp tục bức xúc, kiến nghị cần tăng cường công khai, minh bạch tại các trạm thu phí giao thông BOT” - bà Hải thông tin.

Chạy chức, chạy tuyển dụng… ít bị phát hiện

Trong lĩnh vực kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm, cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho hay cử tri rất quan tâm.

Theo ông Mẫn, cử tri phản ánh và cho rằng tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy” thi tuyển dụng, thi chuyển ngạch công chức, viên chức… vẫn tồn tại mà rất ít bị phát hiện và xử lý. “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, các cơ quan chức năng và các địa phương thường xuyên rà soát, tăng cường công khai, minh bạch công tác tuyển dụng, thi tuyển và thi chuyển ngạch đối với công chức, viên chức; kịp thời sửa đổi các thủ tục, quy trình chưa hợp lý; quy định rõ việc phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, bổ nhiệm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; xử lý nghiêm các vi phạm” - ông Mẫn nói.

Ông Mẫn cũng cho biết cử tri ủng hộ việc xử lý một số cán bộ, lãnh đạo có vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, kể cả đương chức hay nghỉ hưu, thể hiện đúng chủ trương “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng. “Tuy nhiên, công tác phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm; việc thu hồi tài sản bị tham nhũng còn rất hạn chế; tình trạng “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” của một bộ phận công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền chưa được khắc phục” - ông Mẫn nói.

Ban Dân nguyện cũng cho hay cử tri nhiều tỉnh, thành phản ánh công tác quản lý, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ nhiều nơi còn buông lỏng, thiếu trách nhiệm, xảy ra nhiều sai phạm. Các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng cần hoàn thiện theo hướng thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát hiệu quả hơn…

Mỗi đại biểu quốc hội được trang bị một ipad để sử dụng tại hội trường

Chiều 9-5, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến kỳ họp diễn ra trong 20 ngày, từ ngày 20-5 đến 14-6.

Ông Phúc thông tin Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Công ty AIC triển khai xây dựng phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp cho đại biểu Quốc hội dùng trên các thiết bị di động. “Mỗi đại biểu sẽ có một chiếc ipad để sử dụng tại hội trường, dùng để tra cứu được tất cả tài liệu, trừ tài liệu mật” - ông Phúc nói.

Về bố trí chương trình kỳ họp, ông cho biết có ý kiến đề nghị giảm thời gian tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày xuống còn hai ngày, đồng thời tăng thời gian thảo luận đối với một số dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị giữ lượng thời gian 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn và nửa ngày ở hội trường cho mỗi dự án, dự thảo luật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm