Bộ Tài chính Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác

Sáng 20-10, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương  APEC (FCBDM) chính thức khai mạc tại Hội An, Quảng Nam.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có cuộc gặp Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ David Malpass.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trong thời gian qua Việt Nam đã rất nỗ lực để vươn lên từ một nền kinh tế thu nhập thấp trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2017 đạt mức 6,41%.

"Dự báo cả năm 2017 mức tăng trưởng GDP có thể đạt 6,7% như kế hoạch đề ra. Lạm phát được giữ ở mức ổn định dưới 5%, cán cân thương mại tiếp tục được cải thiện, nợ công đảm bảo trong giới hạn cho phép" - Bộ trưởng Dũng cho hay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam thời gian qua còn gặp nhiều thách thức như tăng trưởng chưa bền vững, chất lượng đầu tư công chưa cao, thu ngân sách nhà nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu chi.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng (Chủ tịch FMM 2017) đã tiếp Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ David Malpass. Ảnh: BTC.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Dũng khẳng định Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về tài chính; hoàn thiện các luật thuế như Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế xuất nhập khẩu, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân...

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu và đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý và cơ cấu lại nợ công; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công. Tiếp tục tái cơ cấu, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống thị trường tài chính, bảo hiểm và dịch vụ kế toán, kiểm toán. Đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động doanh nghiệp nhà nước.

Về hợp tác song phương giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, từ năm 2007, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Việt Nam đã triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực thuế, bảo hiểm, chứng khoán, thị trường vốn và kế toán kiểm toán.

Toàn cảnh Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC diễn ra sáng nay. Ảnh: BTC.

Bộ Tài chính Việt Nam trong thời gian qua đã nhận được một số kiến nghị của doanh nghiệp Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến chính sách của Việt Nam, Bộ Tài chính Việt Nam đã rất cởi mở trao đổi để cùng tháo gỡ với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề xuất một số nội dung trao đổi với phía Hoa Kỳ, như đề nghị chính phủ Hoa Kỳ xem xét đẩy nhanh việc phê chuẩn Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần Việt Nam - Hoa Kỳ. Ông cũng đề nghị chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tích cực phối hợp và tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm đi đến ký kết và thực hiện Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan hải quan. Hai bên cũng trao đổi về các hỗ trợ ODA, hỗ trợ kỹ thuật.

Ông David Malpass cho biết trên cơ sở quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua và những đề xuất của Bộ Tài chính Việt Nam, Bộ Tài chính Hoa kỳ sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với Bộ Tài chính Việt Nam để cả hai bên cùng phát triển.

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tiếp ông Angel Gurria (Tổng Thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD); ông Mitsuhiro Furusawa, Phó Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Lãnh đạo OECD và IMF đều cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính Việt Nam, đặc biệt về các chủ đề ưu tiên mà Việt Nam quan tâm trong tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017.

 

Trong Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC diễn ra sáng nay,Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết hội nghị này nhằm thảo luận và thống nhất một số nội dung để báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính diễn ra vào ngày 21-10.

Các nội dung này, trước đó, tại TP Nha Trang, các đại biểu tham dự đã nhất trí với bốn chủ đề, gồm: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai và Tài chính bao trùm. Các đại biểu đã cùng thảo luận về tình hình thực thi Chiến lược thực hiện Kế hoạch hành động Cebu (CAP); thảo luận về việc tăng cường đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết các thách thức trong dự án PPP, trong đó bao gồm cơ chế chia sẻ rủi ro.

Một nội dung quan trọng khác được các đại biểu cùng trao đổi là chủ đề về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, trong đó bao gồm chiến lược quốc gia ứng phó với rủi ro thiên tai, chính sách và quản lý tài sản công chịu rủi ro thiên tai và rà soát kết quả đầu ra báo cáo lên các Bộ trưởng Tài chính APEC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm