Bộ trưởng KHCN: Đề tài xếp ngăn kéo vì... đi trước thời đại

“Hiện tượng nghiệm thu đề tài trên bàn là chủ yếu, đầu tư không đúng chỗ, có cơ chế xin cho. Xin hỏi Bộ trưởng bao giờ khắc phục tình trạng này?”, ĐB Cường chất vấn.

Các ĐBQH cũng đặt câu hỏi về việc nhiều nhà khoa học nhưng chưa có đề tài khoa học có tầm quốc tế, các đề tài đều ít đi vào đời sống và chưa có thị trường về KHCN.

Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời các chất vấn nảy lửa của ĐB. Ảnh: LÊ PHI

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, thị trường KHCN là thị trường muộn nhất ở Việt Nam. Các thị trường khác thì đã hình thành trong hơn 20 năm qua, nhưng thị trường KHCN thì sau năm 2.000 mới bắt đầu.

Về vấn đề đề tài KHCN xếp ngăn kéo, Bộ trưởng Quân cho rằng thuật ngữ đề tài xếp ngăn kéo, chúng ta thường được nghe. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quân thì có những đề tài phải cất vào ngăn kéo vì đề tài này đi trước thời đại nên phải chờ đợi, còn một số đề tài thì chưa tìm được đầu tư.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng chất vấn: “Đề tài đầu tư nhiều nhưng các đề tài này không sử dụng được trong thực tế, đề nghị Bộ KHCN cần kiểm soát và có hướng xử lý trong thời gian tới”.

ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) thì đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có giải pháp gì để đẩy nhanh nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào nông nghiệp”.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng cho hay cử tri bức xúc trước việc ngân sách cho KHCN thiếu minh bạch. Những người bên Bộ KHCN thì khi xét duyệt đề tài rất dễ dàng còn những người khác thì khó khăn. Ngoài ra, có hiệu tượng “chạy để ăn phần trăm” trên đề tài nghiên cứu khoa học. ĐB Hùng cũng bức xúc trước việc liên tục mất nguồn phóng xạ.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân thừa nhận còn có nhiều đề tài KHCN trở thành “nợ xấu” trong ngành. Nhiều đề tài đăng ký, giải ngân rồi nhưng không thực hiện.

Về vấn đề thiếu minh bạch và vòi vĩnh tiền trong KHCN, Bộ trưởng Quân cho rằng các ĐBQH nói là thiếu công khai minh bạch, cán bộ gợi ý ăn chia với các viện các trường với tỷ lệ 25-30 % làm ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu. “Cho đến giờ phút này tôi chưa thấy ai phản ánh với tôi về việc này. Nếu có việc này đề nghị các ĐB chuyển cho chúng tôi, tôi sẽ xử lý nghiêm”, Bộ trưởng Quân nói.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân. Ảnh: LÊ PHI

Cũng theo Bộ trưởng Quân, 5 năm qua có bốn lần mất phóng xạ, hai cục mất chưa thu hồi được. “May là độ phóng xạ thấp, chưa gây ra tác hại lớn, nhưng đây là trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ KHCN. Khâu kiểm tra, giám sát, thanh tra chúng tôi làm chưa được đầy đủ”, Bộ trưởng Quân thừa nhận.

“Vừa rồi, xử phạt 80 triệu đồng, mức cao nhất đối với cơ sở mất phóng xạ ở Vũng Tàu. Nhưng chế tài xử lý hiện nay còn quá nhẹ, chúng tôi đề nghị về việc để mất nguồn phóng xạ phải xử lý cả trách nhiệm hình sự. Phải nâng mức xử phạt lên để đủ sức răn đe. Các đơn vị này quản lý phóng xạ rất sơ sài, người được giao quản lý phóng xạ không được quản lý. Hiện thì các doanh nghiệp đang tiếp cận với Bộ để lắp đặt định vị để kiểm soát phóng xạ”, Bộ trưởng Quân nói.

Nói về lãng phí KHCN, Bộ trưởng Quân cho biết: "Chúng tôi không dám nói là KHCN không có lãng phí. Trong số 23.000 tỉ đồng được phân bổ trong năm nay, nhưng số thực chỉ có 17.300 tỉ đồng, trong đó hơn 40% đầu tư phát triển hạ tầng KHCN; trên 40% là dành cho chi thường xuyên; chỉ còn gần 20% cho nghiên cứu (trên 3.800 tỉ) chia cho trên 2.600 tổ chức và 140.000 cán bộ KHCN cả nước. Tính ra mỗi viện nghiên cứu chỉ có hơn 1 tỉ đồng để nghiên cứu, tính trên đầu cán bộ thì chỉ 30 triệu đồng/người, cái này là rất thấp so với khu vực”.

Cũng theo Bộ trưởng quân để công bố một đề tài nghiên cứu khoa học quốc tế thì phải có 150.000 USD và 2 triệu USD thì mới có một bằng sáng chế.

Thấy Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời vòng vo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vặn : “ĐB hỏi là có lãng phí không? Đề tài bỏ ngăn kéo, có tiêu cực không, thâm hụt to nhỏ ra sao...”.

Với câu truy này, Bộ trưởng Quân thừa nhận: “Lãng phí là có, còn có tham nhũng không thì mong ĐB thông tin để bộ xử lý”.

Kết luận câu này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh :“Hiệu quả không cao là lãng phí rồi. Có lãng phí và cần khắc phục”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm