Bộ trưởng KH&ĐT: Cải cách thể chế là quan trọng nhất

Xuân Kỷ Hợi, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng dành nhiều thời gian để chia sẻ với chúng tôi về những trọng tâm phát triển của đất nước.

“Con người là trọng tâm của quá trình phát triển. Mục tiêu của phát triển phải là không ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả phải cùng nhau chia sẻ khát vọng, ước mơ về nước Việt Nam (VN) thịnh vượng, hạnh phúc cho toàn dân” - Bộ trưởng Dũng nói.

Đã vươn lên nhưng…

. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, nhiều người đã nói về khát vọng, ước mơ cho VN hùng cường?

+ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2019 không chỉ có ước mơ. Chúng ta biết phía trước là chặng đường dài để VN tìm kiếm, khơi thông nguồn lực, biến thách thức thành cơ hội và cơ hội thành hiện thực.

VN đã lớn mạnh hơn trước nhiều, đến lúc chúng ta có thể tự làm chủ, chủ động hoạch định tương lai, quyết định con đường đi của đất nước, chứ không bị động như trước. Người dân chăm chỉ hơn, mạnh mẽ hơn, có khát vọng thì sẽ biến VN thành quốc gia thịnh vượng, tiến lên phía trước.

Sau hơn 30 năm đổi mới VN từ nước nông nghiệp lạc hậu, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, làm thay đổi căn bản diện mạo đất nước, vươn lên thành nước thu nhập trung bình. Một nền kinh tế thị trường năng động, đời sống người dân ngày càng nâng cao, khẳng định vị thế, vai trò đất nước trên trường quốc tế.

.Hơn 30 năm qua, tốc độ phát triển được duy trì ở mức khá và quy mô nền kinh tế VN tăng khá nhanh, thưa Bộ trưởng.

+ Đó là một thực tế. Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực quy mô kinh tế VN còn khiêm tốn. Quy mô các nền kinh tế như Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều lớn hơn VN nhiều lần. Chúng ta đã tiến được bước dài nhưng so với các nước khu vực còn có khoảng cách.

Thực tế, VN vẫn đang thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. GDP bình quân đầu người VN chỉ bằng của Malaysia những năm 1990, bằng Thái Lan năm 2003 và Hàn Quốc những năm 80 thế kỷ trước… Đất nước dĩ nhiên ngày càng phát triển, tiến xa hơn nhiều so với quá khứ nhưng quy mô nền kinh tế chúng ta vẫn còn khiêm tốn, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả cạnh tranh kinh tế chưa cao, năng suất lao động có khoảng cách khá xa so với các nước khu vực; nguy cơ tụt hậu còn hiện hữu.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng động lực vẫn là cải cách thể chế, bởi thể chế có vai trò quan trọng nhất, có tính chất quyết định. Ảnh: CHÂN LUẬN

Dùng 4.0 thu hẹp 40 năm

. Từ vài năm nay, VN nói nhiều đến cách mạng 4.0 và coi đây như một động lực cho phát triển. Bộ trưởng có đồng ý như vậy không?

+ Chúng ta biết rằng những tiến bộ về công nghệ 4.0 làm thay đổi bản chất từ đầu tư, thương mại, tiêu dùng… Các khâu sản xuất chuyển ngược về các quốc gia phát triển, rủi ro khủng hoảng kinh tế thế giới vì thế cũng vẫn chưa được loại trừ…

Tất cả nhân tố, thách thức này ảnh hưởng lớn tới VN khi độ mở của nền kinh tế là rất lớn trong khi quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế lại chưa cao và năng suất lao động tuy có cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu. Bởi từ mức thu nhập trung bình thấp chuyển sang trung bình cao (10.000 USD/người) đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

. Nhưng chắc chắn rằng cách mạng 4.0 không chỉ là thách thức…

+ Đúng vậy! Trong xu thế của cách mạng 4.0, phát triển đô thị thông minh được xem như là phương thức phát triển tất yếu, có thể giải quyết các vấn đề, các điểm nghẽn trong quá trình đô thị hóa, đem lại cơ hội phát triển nhanh, bền vững cho các TP. Mục tiêu của chúng ta là tới năm 2025 sẽ có sáu TP thông minh, đại diện cho sáu vùng kinh tế.

. Ở trên Bộ trưởng nói rằng mọi chính sách phải hướng tới hạnh phúc của người dân. Vậy các chính sách liên quan đến cách mạng 4.0 sẽ làm gì để người dân được hạnh phúc?

+ Như tôi đã nói, trong bối cảnh cách mạng 4.0 bùng nổ, sự thay đổi của khoa học, công nghệ diễn ra như vũ bão, quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực công nghệ cao… thì nhân lực cần phải thay đổi nhanh chóng hơn.

Cần phải có sự chuyển dịch từ lao động giản đơn sang lao động tay nghề cao, kỹ năng tốt, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu của kinh tế tri thức, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu không nguy cơ bị đào thải, thay thế bằng robot, máy móc, trí tuệ nhân tạo sẽ là thực tế không thể đảo ngược.

Tôi cho rằng phải thay đổi mạnh mẽ chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động trong kỷ nguyên cách mạng 4.0 thì mới tạo ra một lực lượng lao động làm việc thông minh, hiệu quả hơn.

Động lực thể chế và sáng tạo

. Nhưng như Bộ trưởng đã đề cập, kinh tế cả về tốc độ và quy mô đã rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.

+ Điều này cho thấy khả năng chống chịu kinh tế tốt hơn, tính độc lập tự chủ cải thiện hơn. Độ mở nền kinh tế lớn nhưng VN vẫn đảm bảo tăng trưởng cao, ổn định. Đây là vấn đề tích cực trong những năm gần đây.

Điều đáng nói là chúng ta đạt được mức tăng trưởng cao nhưng không phải đánh đổi bằng bất ổn vĩ mô, thâm dụng tài nguyên hay đẩy mạnh tín dụng… Tuy vậy, để nền kinh tế phát triển bền vững hơn, đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh nguy cơ tụt hậu thì phải duy trì ổn định vĩ mô, tăng trưởng cao trong một thời gian dài. Chỉ có vậy VN mới nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và thế giới.

. Cần phải có động lực. Theo Bộ trưởng, đâu là động lực quan trọng nhất?

+ Động lực vẫn là cải cách thể chế. Bởi thể chế có vai trò quan trọng nhất, có tính chất quyết định. Bộ KH&ĐT là cơ quan tham mưu về vấn đề này. Nhiệm vụ ấy là rất nặng nề. Chúng ta phải coi đổi mới, sáng tạo vừa là động lực vừa là mục tiêu. Bởi cũng chỉ đổi mới, sáng tạo mới có thể giúp VN bứt phá, phát triển nhanh và bền vững.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Chính sách phải luôn hướng tới hạnh phúc của người dân

. Phóng viên: Và cuối cùng, mọi sự bứt phá, như Bộ trưởng nhiều lần khẳng định, phải hướng tới hạnh phúc của người dân…

+ Đúng vậy! Bởi tôi cho rằng dù là cách mạng 4.0 thì tư duy sáng tạo, văn hóa đổi mới của con người mới là yếu tố quyết định khi con người vừa là mục tiêu, vừa là trung tâm của mọi sáng tạo, đổi mới.

Xét cho đến cùng, thịnh vượng của một quốc gia cũng chỉ có mục đích cuối cùng là phục vụ con người; để cuộc sống của mỗi người VN mỗi ngày đủ đầy hơn, hạnh phúc hơn. Quan trọng hơn cả, mục tiêu này sẽ giúp chúng ta kiên trì con đường phát triển bền vững, lan tỏa thành quả phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm