Bộ trưởng KH&ĐT nói về 3 đổi mới có tính quyết định

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM đầu thềm xuân Đinh Dậu, trước sự thúc bách của phát triển, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói: ““Thời gian là vàng nhưng cũng là kẻ thù”. Là vàng khi chúng ta tận dụng được thời gian để hành động đúng, vươn kịp thời đại. Là kẻ thù khi chúng ta để nó trôi đi vô nghĩa. Thời gian không chờ đợi. Thời gian trôi đi đồng nghĩa cơ hội cũng trôi đi, tận dụng được thời gian cũng là tận dụng cơ hội”.

Khó khăn, thách thức là cơ hội

. Phóng viên: Thưa bộ trưởng, Chính phủ nhiệm kỳ mới đã có nhiều hành động, tuyên bố rất tích cực nhưng nhiều ý kiến cho rằng chúng ta còn gặp rất nhiều thách thức trong năm 2017?

+ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đất nước đã có những chuyển biến nhưng đó mới chỉ là ở mức khởi đầu.

Chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải giải quyết như tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đầu tư công chưa hiệu quả; bội chi ngân sách còn cao; nợ xấu còn nhiều; mất cân đối thu-chi ngân sách. Cùng đó là chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng; đời sống của một bộ phận người dân, công nhân, nông dân... còn rất nhiều khó khăn.

Điều này đặt ra hàng loạt thách thức, đòi hỏi chúng ta phải có những suy nghĩ làm thế nào để lấy lại niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp để tạo động lực đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Nhưng cũng cần thấy rõ thách thức hay khó khăn là cơ hội để chúng ta đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

. Nhưng Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới đó chứ?

+ Độ mở của nền kinh tế Việt Nam trong hội nhập là khá cao và mọi biến động của kinh tế thế giới đã tác động nhanh hơn, trực tiếp hơn tới kinh tế Việt Nam.

Tuy vậy, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu. Nếu không có sự phát triển nhanh, liên tục thì không những khó tham gia sân chơi hội nhập và còn có thể bị thua ngay trên sân nhà.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: “Đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp, đổi mới cách làm là ba nhân tố mang tính quyết định”.  Ảnh: C.LUẬN

Đừng ngủ quên trên chiến thắng

. Bộ trưởng vừa nói rằng khó khăn, thách thức là cơ hội. Việt Nam phải làm gì để thấm nhuần những cơ hội đã bị bỏ lỡ?

+ Sự thật là nước ta còn đang thua nhiều nước xung quanh ở nhiều khía cạnh. Không nói đâu xa, chỉ trong khu vực ASEAN, chúng ta còn thua kém về nhiều khía cạnh. Điều tất yếu là các nước bên cạnh chúng ta sẽ không dừng lại để chờ chúng ta đuổi kịp hoặc vượt qua, còn các nước đứng sau chúng ta lại đang cải cách mạnh mẽ. Đơn cử như Thái Lan, nếu mọi tính toán là đáng tin cậy thì chúng ta phải mất 16 năm mới đạt được trình độ phát triển hiện tại của họ.

Nếu suy nghĩ theo một tư duy tích cực thì điều đó phải là ngọn lửa hun đúc mỗi lãnh đạo, công chức, viên chức không chỉ của Bộ KH&ĐT khát vọng bắt kịp các nước đi trước chúng ta.

Việt Nam đã không còn là quốc gia nghèo, chậm phát triển nhưng chặng đường đang phát triển để tiến tới một quốc gia giàu mạnh còn rất dài. Nếu phải mất 25 năm đổi mới để đạt tư cách “đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp” thì để trở thành một nước thu nhập trung bình cao và nước phát triển sẽ phải mất nhiều hơn thế, sẽ là tầm nhìn 30 năm, 50 năm.

. Chúng ta liệu có thể rút ngắn khoảng thời gian đó không?

+ Chúng ta chỉ có thể rút ngắn được khoảng thời gian đó nếu thực sự nỗ lực, tận dụng hiệu quả các cơ hội, cũng như sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực mà chúng ta có.

Để đuổi kịp các nước, chúng ta phải phấn đấu theo cấp số nhân, phải đạt được mức thu nhập vào tốp đầu của các nước ASEAN. Khát vọng là lớn lao, nhiệm vụ là nặng nề nhưng nếu không có khát vọng, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái hài lòng với những gì đạt được, ngủ quên với chiến thắng của quá khứ mà mất đi ý chí, quyết tâm và động lực để phát triển.

Dám thẳng thắn nhìn nhận yếu kém

. Tôi hiểu rằng để đạt được điều đó thì cần nỗ lực mà trọng tâm là phải cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Vậy chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ đầy khó khăn này thế nào?

+ Đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp, đổi mới cách làm là ba nhân tố mang tính quyết định. Con đường đổi mới thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, bình đẳng; triển khai và thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường phải là những nhiệm vụ trọng tâm.

Chúng ta còn nhiều rào cản, nhiều khó khăn nhưng phải đổi mới tư duy, vượt qua chính mình, không vì lợi ích cục bộ. Cái đích lớn nhất là nhắm đến lợi ích chung của quốc gia, của dân tộc.

Những kiến tạo ban đầu của Chính phủ cho thấy niềm tin của xã hội đã được khơi dậy. Minh chứng cụ thể nhất là năm 2016 có hơn 100.000 doanh nghiệp đăng ký mới. Dẫu rằng kết quả ấy còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng điều đó chính là hiệu ứng từ sự đổi mới về thể chế, pháp luật, chính sách.

Nhưng những kết quả ấy mới chỉ dừng lại ở tầm cao, vẫn còn quá nhiều vấn đề để guồng máy phát triển vận hành suôn sẻ, nhất là khi vấn đề về tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính... vẫn còn là trở ngại chính làm cho chi phí trung gian còn rất cao. Điều này khiến các doanh nghiệp chưa thể “sống”, tồn tại chứ chưa nói gì đến phát triển lớn mạnh và có khả năng cạnh tranh quốc tế.

. Mấu chốt sẽ nằm ở việc chúng ta có thổi được ngọn lửa đổi mới tiếp tục bừng sáng?

+ Khi chúng ta dám thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém không chỉ của nền kinh tế thì lúc đó ngọn lửa đổi mới sẽ được duy trì và hun đúc mọi người. Rõ ràng nếu xét một cách toàn diện thì nền kinh tế Việt Nam đầy tiềm năng nhưng chưa bao giờ phát triển đúng như kỳ vọng. Nếu chúng ta dám dũng cảm vượt qua chính mình, tự đổi mới, xây dựng khát vọng vươn lên, cống hiến thì ngọn lửa đổi mới sẽ tiếp tục soi đường cho cả dân tộc tiến lên.

. Xin cám ơn bộ trưởng.

Tám chữ “đinh” cho thành công

Tôi cho rằng gốc rễ của mọi vấn đề chính là con người. Trong hội nghị tổng kết mới đây, tôi đã nói rằng sự thành bại của ngành kế hoạch đầu tư phải phụ thuộc vào “Trí - Hành - Kết - Tâm - Chuyên - Danh - Khát vọng - Bản lĩnh”.

Đầu tư trí tuệ để hành động quyết liệt; đã hành động là phải đạt kết quả; hành động phải được dẫn đường bằng tâm sáng; hành động là phải chuyên nghiệp; tất cả vì thanh danh, thương hiệu của Bộ KH&ĐT.

Nhưng tôi cho rằng những phẩm chất cần phải có ấy không phải là độc quyền của Bộ KH&ĐT mà là của mọi người, của những ai đang phấn đấu, làm việc mỗi ngày vì sự phát triển chung của đất nước.

Bộ trưởng KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm