Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: ‘Đừng để nhân tài bị rủi ro’

Sáng 17-7, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo khoa học chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.

Dù khái niệm thế nào là nhân tài còn nhiều tranh luận, PGS-TS Lê Minh Thông (trợ lý của Chủ tịch Quốc hội) cho rằng “vì sao không hút được nhân tài mới” là câu chuyện quan trọng đáng bàn.

“Muốn thu hút nhân tài phải làm sạch bộ máy”

“Tới nay chưa có một điều tra cụ thể nào nhưng tôi có cảm giác giới trẻ, những người có tài không thích vào khu vực công” - ông Thông nhận xét. Lý giải, ông cho rằng nguyên nhân đầu tiên là chế độ đãi ngộ thấp. “Có cháu học ở nước ngoài về, rất giỏi. Tôi hỏi có vào khu vực công không, cháu trả lời không, vì như thế làm sao cháu hoàn lại được số tiền hàng tỉ đồng bố mẹ đã bỏ ra đầu tư cho cháu học hành” - ông kể.

Tuy nhiên, một lý do quan trọng hơn mà ông Thông nhấn mạnh là “uy tín thấp”, bởi hàng loạt vụ bê bối diễn ra, ngay từ cấp phường, với những câu chuyện về khai sinh, khai tử…

“Nói tóm lại, hình ảnh cán bộ, công chức của chúng ta là không ổn, có nhiều vấn đề tiêu cực, tham nhũng, nhiều công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về, hoạt động không hiệu quả” - PGS-TS Lê Minh Thông nhận xét.

TS Thông cho rằng: “Để thu hút nhân tài phải làm sạch bộ máy của mình. Vào khu vực công phải thấy được sự nỗ lực, cống hiến người ta mới vào, còn vào rồi thấy 30% công chức cắp ô thì nhìn đã chán”. Với tinh thần đó, ông Thông kiến nghị phải khẩn trương rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất, từ đó lấy lại lòng tin của xã hội.

“Nếu để lại ấn tượng “cái ông đấy tuy là cán bộ nhà nước nhưng mà tốt” thì gay rồi!” - ông Thông cảm thán.

Nêu quan điểm về vấn đề này, GS-TS Phạm Hồng Thái (Khoa luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) nói: “Tôi có quan điểm hơi khác anh Thông. Tôi thấy càng ngày công chức mình càng có tri thức. Theo ông Thái, thực tiễn có chuyện năng lực công chức chưa cao như mong muốn, đòi hỏi, tuy nhiên câu chuyện mấy chục phần trăm công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” thì chưa có ai thống kê, đánh giá cụ thể.

Nhắc về vấn đề tham nhũng, GS-TS Phạm Hồng Thái cho rằng khu vực tư cũng có, nước nào cũng có nhưng ở nước ngoài họ quản lý tốt hơn Việt Nam. Theo ông, chế độ đãi ngộ hiện nay rất khó huy động được nhân tài. “Tôi nói thật, phụ cấp của một ông thứ trưởng không bằng tôi đi dạy thêm một buổi” - GS-TS Thái dẫn chứng.

Hiện nay, chế độ đãi ngộ là một trong những yếu tố dẫn đến việc khó huy động được nhân tài.  Ảnh: HTD

Cần môi trường tôn trọng nhân tài

Trong phát biểu của mình, PGS-TS Lê Minh Thông cũng đề cập tới câu chuyện sử dụng nhân tài. “Không ít người sử dụng nhân tài không ổn. Vấn đề chạy chức, chạy quyền, chuyện 5C (con-cháu-các-cụ-cả)… Do quan hệ mà ông nọ, ông kia lên vị trí giám đốc, vụ phó, vụ trưởng… khiến mọi người nhìn vào không phục” - ông Thông nói và đặt vấn đề “người sử dụng nhân tài như thế, nhân tài vào làm gì”.

Nhận nhân tài vào là để cống hiến, không phải để bị sai vặt, rót nước, pha trà trong khi dài cổ chờ được giao việc vì các “bề trên” ngồi đó cả rồi. Công chức nhà nước là đội ngũ tinh hoa, trong khi một số cán bộ, công chức năng lực còn hạn chế, “học hành thì chuyên tu, tại chức đủ thứ trên đời”.

PGS-TS Lê Minh Thông 

Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, ông Thông cho rằng phải xây dựng hình ảnh người đứng đầu thật sự thu hút. Người đứng đầu có thể không phải là người giỏi nhất nhưng phải là người biết quy tụ nhất, thu hút nhất, biết lắng nghe, tạo môi trường nhất… Người lãnh đạo có thể không phải là người khổng lồ nhưng biết đứng trên vai người khổng lồ. “Nhân tài cần môi trường. Không ai tài năng toàn diện, trừ một số ít nhân tài xuất chúng, vậy thì phải sử dụng nhân tài cho đúng” - ông Thông nói và cho rằng “Cần môi trường tôn trọng nhân tài, kiên nhẫn đợi chờ nhân tài ra hoa kết quả, không thể nôn nóng được. Nhưng chúng ta hay ép chương trình, ép kế hoạch nên sượng lắm”.

TS Thông nhấn mạnh: “Đầu tư nhân tài là đầu tư rủi ro, đầu tư 10 anh, được một anh cũng là thành công… Tùy thời điểm, nhân tài có thể rơi rụng và phải chấp nhận điều này. Có những người hôm nay là nhân tài, ngày mai không còn là nhân tài nữa. Chúng ta cứ bình tĩnh và đừng nghĩ tốn kém. Đừng có bảo bỏ bao nhiêu tiền mãi chả được gì, phải bình tĩnh chờ.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định nhân tài là tài sản chung của đất nước, không phân biệt khu vực công, tư. “Đầu tư nhân tài, 100 người được ba người thật sự là nhân tài của quốc gia thôi là tốt rồi. 100 triệu dân cũng phải được 500 người. Phải có mục tiêu để có đầu tư” - bộ trưởng Nội vụ nói.

“Đầu tư nhân tài là đầu tư rủi ro nhưng đừng để nhân tài bị rủi ro. Thu hút vào rồi mà bị áp thế này thế kia là vi phạm. Làm sao để họ hoạt động tự do, phát huy sáng tạo mới được” - ông Tân nêu quan điểm.

Đào tạo nhân tài nhưng bố trí không phù hợp

Trong phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận xét thời gian qua vấn đề trọng dụng nhân tài được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, mỗi địa phương cũng có chính sách riêng về việc này, có nơi khá thành công, có nơi chính sách không phù hợp.

“Các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đan xen nhau không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật và còn nhiều vấn đề” - ông nói và dẫn chứng về đề án Mê Kông 1000 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đào tạo những nhà khoa học, các thạc sĩ, kỹ sư ở các quốc gia trên thế giới bằng nguồn kinh phí của cơ quan nhưng khi họ về lại bố trí sử dụng không phù hợp.

Hay một số nơi cũng có chương trình đào tạo, nhiều địa phương có chính sách trải thảm đỏ thu hút nhân tài nhưng việc sử dụng, giữ chân và tạo điều kiện cho người tài có môi trường phát huy tốt hơn còn khó khăn và bất cập. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm