Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Tôi cũng bị mạo danh'

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có cuộc trao đổi với báo chí về tình trạng mạo danh các lãnh đạo Đảng, nhà nước; tác động của những thông tin xấu độc trên mạng xã hội và sứ mệnh mới của báo chí…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Mạng xã hội có nhiều thông tin thất thiệt

.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở”, trong đó Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội (MXH) để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến thực thi nhiệm vụ. Vì sao Thủ tướng lại đưa ra quy định này, thưa ông? 

+Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: MXH có nhiều mặt tích cực nhưng mặt không tích cực cũng không ít. Chúng ta thấy những thông tin xấu, độc, bôi nhọ, bịa đặt, chưa được kiểm chứng... xuất hiện khá nhiều trên MXH. Công chúng không xác định được đâu là nguồn tin đáng tin cậy nữa. Chúng ta đã kiểm soát và loại bỏ nhiều tin như thế nhưng trên MXH vẫn còn nhiều thông tin thất thiệt, tin giả nhưng hậu quả lại rất thật, thậm chí nghiêm trọng.

Vì vậy, cán bộ công chức, viên chức (cán bộ) và người dân chúng ta phải có được quan điểm và lập trường vững vàng. Điều này là quan trọng nhất, bởi với quan điểm, lập trường vững vàng khi nghe những tin xấu, tin độc, đọc vào là biết ngay và nhận ra ngay ai là người nói đúng, ai là người tuyên truyền, xuyên tạc, kích động.

Cạnh đó, cán bộ phải nâng cao trách nhiệm, nhận thức để khi gặp những thông tin xấu, độc, không đúng, bịa đặt thì tự mỗi người xác định được thông tin đó là thật hay giả. 

Một số thông tin đã bị suy diễn, hư cấu, bịa đặt, thổi phồng, tạo ra một cái gì đó rất mập mờ, không minh bạch rõ ràng, thậm chí là rất khác thường, xa rời bản chất của sự thật. Đấy cũng là cách thu hút, tạo sự giật gân để câu view, câu “like” của một số người. Nhưng nếu chúng ta có bản lĩnh, lập trường vững vàng thì chắc chắn sẽ nhận biết được.

Mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng là mong muốn tất cả cán bộ, công chức thấm nhuần được chỉ đạo trong học tập tư tưởng, có suy nghĩ, ứng xử văn hóa lành mạnh trong hoạt động công vụ cũng như ngoài xã hội. Từ đó nhận biết được và có quan điểm phản bác các thông tin xấu độc tác động vào ngay bản thân mỗi chúng ta.

.Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã tích cực sử dụng Facebook để cung cấp thông tin đến báo chí cũng như người dân. Ông đánh giá hiệu quả hoạt động của trang Facebook này thế nào?

+ Ngoài thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trang Facebook Thông tin Chính phủ hoạt động từ tháng 10-2015 đến nay thường xuyên cập nhật tin tức hoạt động của lãnh đạo Chính phủ, thông tin về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và các vấn đề thời sự khác. Thông tin đăng tải hầu hết nhận được sự tương tác, bình luận, comment của người đọc, nhận được nhiều ý kiến phản hồi.

Ngoài ra, thông tin trên MXH, trên hệ thống báo chí, cả những việc liên quan đến thông tin lạ, xấu độc đều được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tập hợp hàng ngày. 

Tôi và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ thường xuyên xem và nghe hết các thông tin này để chọn lọc báo cáo lên Thủ tướng. Qua đó, chúng tôi thấy ở nơi nào đó, cấp chính quyền nào đó, cán bộ còn gây phiền hà, hạch sách người dân, DN thì chấn chỉnh kịp thời. Hoặc những việc nếu tạo điều kiện thuận lợi cắt bỏ điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính giúp DN gia nhập thị trường tốt hơn thì cũng cần quan tâm tháo gỡ.

Đây là việc rất tốt, rất đáng công khai và tôi cho rằng Văn phòng Chính phủ đã làm tốt trong quá trình tham mưu, tổng hợp.

Mạo danh Văn phòng Chính phủ huy động tiền xây chùa

.Thưa ông, vừa qua cũng có không ít trang MXH, trang thông tin mạo danh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bản thân ông có gặp phải tình trạng này không và ông xử lý tình huống này thế nào?

+ Có chứ, có người mạo danh tôi đi làm nhiều chuyện lắm. Khi nhận được những phản ảnh về việc mạo danh, một mặt, tôi khẳng định những điều đó là không có, đấy là giả mạo. Mặt khác, tôi đề nghị cơ quan an ninh điều tra vào cuộc. Chúng ta phải cảnh giác và thông báo cho các cơ quan chức năng ngay đấy là thông tin giả, thông tin lừa gạt người dân. 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Có người mạo danh tôi đi làm nhiều chuyện lắm".

Ngoài ra cũng có tình trạng giả mạo thư, danh thiếp, hay mạo danh các chức danh không có hoặc có nhưng không phải con người thực tế… Rất nhiều trường hợp mạo danh giới thiệu là người của Văn phòng Chính phủ đi chạy dự án, xin việc làm, lừa người dân. 

Với những trường hợp này, chúng tôi kiên quyết xử lý và công khai, minh bạch để người dân không bị hiểu lầm. Vừa rồi, chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra xử lý một số trường hợp mạo danh huy động tiền xây chùa… và cơ quan công an đã làm rất kiên quyết.

Với nghiệp vụ của mình, trong  thời gian rất ngắn, cơ quan điều tra đã trả lời cho các cơ quan chức năng và thông tin cho Văn phòng Chính phủ là không có trường hợp như vậy. Đây là tin xấu, tin độc, tin mạo danh để lôi kéo, mua chuộc, vòi tiền… người dân và doanh nghiệp.

.Ông có chia sẻ gì với cán bộ khi tham gia MXH?

+Tôi cho rằng chúng ta nên xác định rõ những giá trị khi tham gia MXH. Mục tiêu chúng ta tham gia là gì, nếu chúng ta tham gia để tìm hiểu thông tin cũng là điều tốt. 

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thế giới ảo, xã hội ảo được hình thành. Điều này đòi hỏi chúng ta phải truy cập MXH để xem xét, cập nhật tất cả thông tin xung quanh chúng ta. Điều đó là cần thiết. Nếu chúng ta đóng kín cửa, ngồi trong nhà thì không nên. 

Nhưng chúng ta cần có quan điểm, tư tưởng, kiến thức vững vàng, phải xem xét kỹ lưỡng khi tham gia một vấn đề nào đó, bình luận một việc gì đó trên MXH. Dù tham gia MXH không phải dưới tên thật của mình, chúng ta cũng phải có trách nhiệm. Cái gì tốt thì chúng ta cổ vũ, cái không tốt chúng ta có phản biện hợp lý, trên tinh thần xây dựng.

Tham gia MXH là tốt nhưng phải có trách nhiệm với xã hội và những người xung quanh. Nếu đưa đẩy những thông tin không tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng đến những người xung quanh chúng ta, đặc biệt là giới trẻ. 

Chống lại thông tin xấu độc là sứ mạng mới của báo chí

.Ông đánh giá thế nào về vai trò và trách nhiệm của báo chí trong việc đẩy lùi thông tin giả mạo, thất thiệt?

+Tôi cho rằng, báo chí đang làm tốt việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và thông tin về đất nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức ở Việt Nam cuối tháng 2 là một minh chứng cho nhận xét này.

Trong điều kiện hội nhập và xu thế toàn cầu hoá, vai trò của báo chí càng lớn. Báo chí phản ánh chân thực cuộc sống. Cuộc sống có bao điều tốt đẹp và tất nhiên, có cả những điều chưa tốt. Sự việc đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng làm việc ở Vĩnh Phúc bị lập biên bản vì nhận tiền hối lộ, báo chí thông tin giúp người dân biết, lên án việc làm không đúng. 

Còn đối với những thông tin xấu, độc, xuyên tạc, bôi nhọ, vận động biểu tình, bạo loạn, hay cổ vũ lối sống không lành mạnh…, báo chí cần công bố thông tin chính thống, phản hồi, bác bỏ để đấu tranh với những thông tin này. 

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, truyền thông kéo theo sự phát triển quá nhanh chóng của thông tin điện tử, MXH khiến thông tin báo chí bị cạnh tranh gay gắt.

Tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng ngày càng gia tăng, có lúc, có nơi lấn át thông tin báo chí. Vì thế, hơn lúc nào hết, báo chí, các nhà báo phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình, theo những nguyên tắc cơ bản của nghề báo: Chính xác, chính thống, nhanh nhạy…. Đặc biệt là nhà báo phải có quan điểm lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng.

Báo chí cần khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng của báo chí, đồng thời chủ động để thích ứng với công nghệ làm báo mới, đang thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng hiện đại.

Tôi mong các nhà báo luôn ý thức được vai trò, sứ mệnh của mình là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng – văn hoá, chủ động đưa thông tin chính thống “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, đấu tranh đẩy lùi cái ác, cái xấu, cái bất công, thiếu chuẩn mực xã hội theo Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Cuộc đấu tranh chống lại thông tin xuyên tạc và xấu độc là sứ mạng mới của báo chí. Cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định lại vai trò của báo chí trong đời sống xã hội.

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, tôi chúc các cơ quan báo chí, những người làm báo thực hiện đúng lời Bác Hồ đã dạy, “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của đất nước, của dân tộc, góp phần tạo nên và nuôi dưỡng khát vọng dân tộc.

.Xin cảm ơn ông!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm