Bộ trưởng Tô Lâm: Bất cập quy định 'tương tự vũ khí quân dụng'

Chiều 29-10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội về dự thảo luật Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Ngoài việc khắc phục khoảng trống pháp lý, Bộ trưởng Tô Lâm nói sửa luật này sẽ ngăn việc các đối tượng phản động lợi dụng để gây bạo loạn

Lo khủng bố, bạo loạn

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc sửa đổi này là cần thiết vì Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã bộc lộ một số bất cập, khoảng trống.

Cụ thể, vũ khí quân dụng bao gồm cả vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.

Các hành vi liên quan đến các loại vũ khí “tương tự” được BLHS 1999 truy cứu TNHS, BLHS 2015 cũng truy cứu TNHS nhưng có điều kiện và đến BLHS 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 lại bỏ quy định này.

Trong khi đó, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tại khoản 2 Điều 3 lại quy định chi tiết về vũ khí quân dụng. Khoản 6 Điều 3 lại quy định về vũ khí có có tính năng, tác dụng tương tự”.

Vì thế, xuất hiện một khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Do đó, không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với các hành vi trên từ ngày 1-7-2018.

Và nếu đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các hành vi trên thì phải đình chỉ; nếu đã bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành hình phạt còn lại; nếu đã kết án mà chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Mặt khác, Bộ trưởng Bộ Công an nói đây là loại tội phạm nghiêm trọng, nếu phải đình chỉ, miễn hoặc hoãn chấp hành hình phạt tù cho các đối tượng sẽ làm gia tăng tình hình tội phạm sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội; không đảm bảo tính răn đe nghiêm minh của pháp luật.

Thêm nữa, các đối tượng phản động sẽ lợi dụng sơ hở pháp luật tiến hành chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng để hoạt động bạo loạn, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của đất nước.

Làm rõ tính khả thi, thống nhất

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho hay: trước mắt trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn căn cứ pháp lý để xử lý hình sự đối với các hành vi này; nghiên cứu, sớm báo cáo Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung Điều 304 của BLHS 2015 như nhiều ý kiến nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh nói ủy ban này đề nghị Chính phủ hoàn thiện thêm dự luật để bảo đảm tính thống nhất, khả thi.

Một số ý kiến cũng lo ngại sửa đổi hai điều của luật này sẽ mâu thuẫn với quy định của BLSH và việc ban hành danh mục vũ khí tương tự vũ khí quân dụng cũng khó khả thi. Vì thế, Ủy ban Quốc phòng - An Ninh đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các quy định của luật, các điều ước quốc tế để hoàn thiện nội dung, bảo đảm tính thống nhất và khả thi.

Ủy ban Quốc phòng – An ninh cũng đề nghị Chính phủ bổ sung tài liệu, ý kiến của TAND Tối cao, VKS Tối cao để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo. Cuối cùng, Ủy ban Quốc phòng – An ninh cũng đề nghị bổ sung các quy định về nội hàm của đối tượng quản lý nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

 

Hai điều luật Chính phủ kiến nghị sửa đổi

Điều 1: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 6 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

1.    Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 như sau:

2. Vũ khí quân dụng là vũ khí, bao gồm:

a) Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:

Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;

Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;

Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;

Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm này.

b) Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định tại Điều 18 Luật này để thi hành công vụ.

2. Sửa đổi khoản 6 Điều 3 như sau:

Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm