Bốn năm tù cho cô giáo bỏ trẻ vào thang máy

“Bị cáo không ngờ hành động kém suy nghĩ của mình gây cho bé Vinh tổn thương quá lớn. Bị cáo thật sự hối hận, mong được tha thứ. Bị cáo chấp nhận những hình phạt dành cho mình...” - bị cáo Trần Thị Xuân Nữ (nguyên giáo viên nhóm trẻ tư thực Hoa Lan, quận Tân Phú, TP.HCM) thành khẩn nói lời sau cùng.

Sau khi xem xét, TAND quận Tân Phú đã phạt bị cáo Nữ bốn năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Không lường được hậu quả

Từ sáng sớm 15-7, rất đông người dân đến dự phiên tòa. Nạn nhân là bé Lê Quang Vinh cũng theo cha mẹ đến. Người bé dọc ngang đầy vết sẹo...

Theo hồ sơ, trưa 17-9-2010, bị cáo Nữ đã bỏ bé Vinh (bốn tuổi) vào thang máy vận chuyển thức ăn của trường, đóng cửa và bấm cho thang di chuyển xuống đất. Bé hoảng sợ la hét, người bé ma sát với vách tường khiến bé bị chấn thương đầu, ngực, bụng, gãy xương đòn trái và nhiều vết thương khác, tỉ lệ thương tật hiện tại là 41%, 38% vĩnh viễn.

Tại tòa, bị cáo Nữ thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo nói mình bỏ bé vào thang máy là để dọa cho bé sợ mà ăn. Bị cáo không lường trước được mức độ nguy hiểm có thể gây ra cho bé bởi nghĩ rằng thang máy này cũng an toàn. “Sau khi bỏ bé vào thang, bấm nút xuống, bị cáo đi nhanh xuống tầng trệt đón bé. Bé Vinh nằm trên sàn thang máy, máu chảy nhiều. Bị cáo vội vàng ẵm bé đi cấp cứu” - bị cáo Nữ kể.

Bốn năm tù cho cô giáo bỏ trẻ vào thang máy ảnh 1

Bị cáo Nữ hối hận với hành vi mình đã gây ra. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Trước phiên tòa mấy ngày, gia đình bị cáo có đơn xin giám định lại tỉ lệ thương tật của bé Vinh. Tòa vào trại tạm giam lấy thêm ý kiến bị cáo. Bị cáo đã rút lại yêu cầu này. Tòa hỏi lý do, bị cáo Nữ cho biết: “Vì bị cáo biết mỗi lần giám định sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Bị cáo đã làm bé quá tổn thương rồi nên không muốn gây thêm đau đớn cho bé”...

Phạm tội bột phát, được giảm nhẹ

Phần tranh luận, công tố viên nói: “Người bị hại chỉ mới bốn tuổi, bị lệ thuộc hoàn toàn và không có khả năng tự bảo vệ. Bị cáo đã cố ý gây thương tích cho nạn nhân với tỉ lệ thương tật 41%. Hành vi của bị cáo không thể chấp nhận được. Đề nghị tòa phạt bị cáo 4-5 năm tù”.

Luật sư của bé Vinh đồng ý với tội danh, mức án công tố viên đề nghị. Theo luật sư, thời gian qua tình trạng gây tổn thương cho trẻ em đang có xu hướng gia tăng, nếu xử nhẹ sẽ không có tính răn đe.

Tuy nhiên, luật sư của bị cáo Nữ lại đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra lại theo hướng bị cáo phạm tội vô ý gây thương tích vì bị cáo không biết trước, không mong hậu quả xảy ra...

Bị cáo Nữ thì trình bày: “Bị cáo hối hận và mong được tha thứ. Mong tòa cho bị cáo mức án nhẹ để bị cáo sớm đoàn tụ gia đình và chuộc lỗi lầm...”.

Phần tuyên án, HĐXX nhận định tòa không chấp nhận lời bào chữa của luật sư rằng bị cáo không biết trước hậu quả. Là giáo viên mầm non có kinh nghiệm và trình độ, đáng lẽ bị cáo phải có cách xử lý khoa học hơn khi bé không chịu ăn. Bị cáo buộc phải biết bỏ bé vào thang máy vận chuyển thức ăn sẽ khiến bé hoảng sợ, tìm cách thoát ra và va đập dẫn đến thương tích... Việc hù dọa để bé sợ mà ăn hoàn toàn không có cơ sở khoa học và không thể chấp nhận được. Hành vi này trái với đạo đức xã hội, ảnh hưởng nặng nề đến tâm sinh lý của bé. Tòa chấp nhận đề nghị của công tố viên, cần có mức án nghiêm đối với bị cáo.

Tuy nhiên, xét bị cáo thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nghề nghiệp ổn định, đã bồi thường 140 triệu đồng. Hành vi phạm tội của bị cáo mang tính bột phát chứ không có sẵn bản chất tàn ác. Ngoài ra, gia đình bé Vinh cũng đã có đơn xin giảm án cho bị cáo nên HĐXX giảm nhẹ một phần, tuyên bị cáo bốn năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt...

Tội cố ý gây thương tích là phù hợp

Ban đầu cơ quan điều tra truy tố bị can về tội hành hạ người khác. Tuy nhiên, sau đó cơ quan tố tụng thống nhất chuyển sang tội danh cố ý gây thương tích.

Bị cáo phạm tội trên với lỗi cố ý gián tiếp. Với 10 năm kinh nghiệm, bị cáo phải biết thang máy vận chuyển thức ăn gồ ghề, không có chức năng chuyển người, có nhiều khoảng hở... là có thể gây tổn thương. Trong khi đó, bé Vinh mới bốn tuổi, hoàn toàn không có khả năng tự bảo vệ mình và hậu quả đã xảy ra...

Còn đối với tội hành hạ phải thể hiện hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình. Tàn ác được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác và tinh thần đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói… có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ và thông thường phải lặp đi lặp lại. Ở đây bị cáo Nữ hành động do bột phát và là lần đầu nên xem xét tội hành hạ là không phù hợp.

Công tố viên NGUYỄN VĂN TÙNG VKSND quận Tân Phú

Gia đình sẽ không kháng cáo

Mức án mà tòa phạt cô Nữ là phù hợp. Gia đình tôi cũng không mong tòa xử phạt cô Nữ thật nặng. Chúng tôi sẽ không kháng cáo.

Tuy nhiên, tôi mong không chỉ con tôi mà các bé khác không phải chịu thêm bất cứ vụ nào như thế này nữa. Bởi qua vụ việc, con tôi đã chịu nhiều đau đơn về thể xác lẫn tâm hồn. Cháu giờ sợ bóng tối, sợ đi học, sợ những tiếng nói lớn, hay bùng phát những cơn thịnh nộ bất ngờ... Những tổn thương đó đang cần đến liệu pháp chữa trị tâm lý lâu dài.

Cha mẹ bé Quang Vinh

Em thay chị xin lỗi

Chị tôi đã nhận ra lỗi và khóc rất nhiều. Tôi thay mặt chị xin lỗi bé Vinh và gia đình. Tôi biết lời xin lỗi và sự ân hận của chị tôi khó lòng xoa dịu nỗi đau của bé. Dù sao cũng xin mọi người tha thứ cho chị tôi. Sau lần này, có lẽ chị sẽ không còn dám làm cô giáo mầm non nữa...

Anh TRẦN TRỌNG NHÂN, em trai cô giáo Nữ

Hãy yêu thương trẻ như con

Tôi mong sau phiên tòa này, các giáo viên mầm non sẽ suy nghĩ thật kỹ về công việc mà mình đang theo đuổi. Người lớn chúng ta hãy thương yêu và chăm sóc trẻ em như chính con của mình.

Các cấp có thẩm quyền cần quản lý chặt chẽ hơn nữa các nhóm trẻ gia đình. Như vậy sẽ tránh được những vụ việc đáng tiếc xảy ra làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, của các giáo viên tâm huyết với nghề.

Ông NGUYỄN PHƯƠNG, cán bộ hưu trí phường Tây Thạnh,
quận Tân Phú, TP.HCM

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm