Buộc tội khi còn nhiều mâu thuẫn

Sau nhiều lần hoãn xử để trả hồ sơ điều tra bổ sung, mới đây TAND tỉnh Tây Ninh đã xử sơ thẩm, phạt Nguyễn Thanh Việt 13 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tòa còn tuyên Việt phải trả cho nạn nhân hơn 600 triệu đồng.

Cuốn sổ nợ bị mất

Theo hồ sơ, đầu năm 2008, T. đặt 100 triệu đồng tiền cọc để mua gỗ của Việt. Sau đó, T. đưa cho Việt thêm 200 triệu đồng nữa để kéo dài giao kết. Thấy mọi chuyện suôn sẻ, T. tiếp tục đưa cho Việt 500 triệu đồng. Những lần đưa tiền này đều được ghi vào sổ nợ của T.

Sau đó, Việt phát hiện ra T. làm mất sổ nợ nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt gần 700 triệu đồng mà T. đặt cọc hai lần sau cùng. Đến lúc trả nợ, Việt chỉ trả cho T. 100 triệu đồng lúc đầu. Thấy Việt không trả số tiền còn lại nên T. báo công an...

Tại cơ quan điều tra, lúc đầu Việt thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nhưng sau này Việt lại phủ nhận toàn bộ lời khai của mình. Tại tòa, Việt cho rằng mình bị truy tố oan và chỉ thừa nhận mình có nhận của T. 100 triệu đồng. Hai lần giao tiền sau Việt chẳng biết mô tê gì. Sở dĩ bản tự khai lần đầu tại cơ quan điều tra Việt thừa nhận là do bị ép cung.

Buộc tội khi còn nhiều mâu thuẫn ảnh 1

Bị cáo Việt tại phiên tòa sơ thẩm.

Chứng cứ mâu thuẫn

Luật sư của Việt cũng đã đưa ra hàng loạt chứng cứ chứng minh cơ quan tố tụng đã vi phạm tố tụng và lời khai buộc tội của các nhân chứng, bị hại trong hồ sơ và tại phiên tòa có rất nhiều mâu thuẫn.

Đơn cử như lệnh bắt khẩn cấp Việt được VKS phê chuẩn nhưng không xác định rõ thời điểm bắt bị cáo. Các lần trả hồ sơ trước tòa cũng yêu cầu VKS làm rõ nhưng cũng không được đáp ứng.   

Tiếp nữa, T. khai giao tiền lần hai có người làm công của Việt đếm tiền nhưng tại tòa và trong hồ sơ đều thể hiện người làm công không biết việc này.

Chưa hết, lúc thì T. khai đã ghi số tiền Việt nhận vào tờ giấy học sinh, lúc thì khai ghi vào cuốn sổ màu đen... Thậm chí T. còn khai mỗi lần giao nhận tiền đều có làm hợp đồng nhưng không có chứng cứ nào nói lên điều trên. Các nhân chứng chứng kiến việc Việt nhận tiền tại quán cà phê thì hai người không biết số tiền T. đưa cho Việt là bao nhiêu...

Hơn nữa, theo quy định tại Điều 167 Bộ luật TTHS thì bản cáo trạng phải nêu rõ thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội. Trong các lần trả hồ sơ điều tra bổ sung trước, tòa đã yêu cầu VKS tỉnh phải xác định về ý thức chiếm đoạt tiền bị cáo Việt có từ lúc nào. Khi T. làm đơn tố cáo thì Việt đã có ý thức chiếm đoạt số tiền hay chưa. Việt có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền gần 700 triệu đồng hay không... Tuy nhiên, những yêu cầu trên không được VKS làm rõ...

Vẫn bị tù

Đáp lại, đại diện VKSND tỉnh cho rằng theo quy định tại Điều 10 Bộ luật TTHS thì cơ quan điều tra và VKS có quyền áp dụng mọi biện pháp để tìm ra sự thật. Còn các mâu thuẫn chứng cứ mà luật sư đưa ra VKS không tranh luận... (Phía luật sư phản ứng rất dữ cách nói này bởi VKS làm gì thì làm nhưng phải đúng quy định của pháp luật và việc không tranh luận là khó chấp nhận.)

Phần mình khi tuyên án, tòa cho rằng bản cáo trạng truy tố Việt là xác đáng, các chứng cứ đã thể hiện rõ Việt đã có hành vi chiếm đoạt của T. gần 700 triệu đồng.

Còn việc vi phạm tố tụng của VKS mà luật sư đưa ra là nhỏ, không ảnh hưởng đến nội dung vụ án nên tòa không chấp nhận. Các lời khai mâu thuẫn của người bị hại hay của các nhân chứng mà luật sư đưa ra cũng không có cơ sở. Do vậy, ngoài việc phạt tù Việt, trừ đi các khoản khác tòa đã buộc Việt phải chịu trách nhiệm dân sự như nêu trên.

VĂN ĐOÀN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm