Cá chết có thể do cống xả thải vào Hồ Tây

“Cá chết tại Hồ Tây một phần có thể do các cống xả thải vào hồ, cũng có thể do tảo, cũng có thể do nguyên nhân khác…  sau này sẽ có kết luận chính thức làm rõ” - ông Sửu nói.

Tại cuộc tiếp xúc, đông đảo cử tri quận Tây Hồ đều tỏ ra bức xúc trước thực trạng ô nhiễm tại Hồ Tây. Nhiều cử cử tri cho rằng thực trạng này cử tri đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng không thấy cơ quan có chức năng vào cuộc ngăn chặn và nay thì cá Hồ Tây đã chết rồi.

Cử tri Đỗ Danh Bình (phường Xuân La, quận Tây Hồ) nêu vấn đề và kiến nghị: “Kỳ họp nào của thành phố, của quận tôi cũng có ý kiến về môi trường Hồ Tây nhưng mà chuyện đã xảy ra rồi. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm làm rõ vì sao, nguyên nhân nào khiến cá Hồ Tây chết hàng loạt, để công bố cho dân biết”

Cá chết có thể do cống xả thải vào Hồ Tây ảnh 1
Cử tri quận Tây Hồ đề nghị làm rõ, công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tại Hồ Tây thời gian qua

Tương tự, cử tri Nguyễn Tiến Độ (phường Xuân La, Tây Hồ ) cũng cho rằng những sự cố ô nhiễm môi trường như vụ Formosa gây ra đối với nhân dân bốn tỉnh miền Trung, hay sự cố cá Hồ Tây chết hàng loạt… cho thấy “ô nhiễm môi trường đang gây nguy hại rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân”.

Theo đó, ông Độ đề nghị các cơ quan chức năng phải có giải pháp tích cực để ngăn chặn, phòng ngừa ô nhiễm và phải có chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm của các tập thể, cá nhân gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, tại cuộc tiếp xúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Hoàn Kiếm vào chiều qua 17-10, cử tri Thái Nguyên Bền (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) cũng đặt câu hỏi: “Báo chí phản ánh về việc xây dựng nhà máy 1.000 tỉ đồng để làm sạch nước Hồ Tây hoàn thành vào năm 2013, đến nay vẫn chưa sử dụng được. Trách nhiệm thuộc về ai?”

Cá chết có thể do cống xả thải vào Hồ Tây ảnh 2
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trả lời các kiến nghị của cử tri quận Tây Hồ

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho hay hiện TP đang thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, liên ngành Bộ Công an, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN cũng đang vào cuộc, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân cá chết.

“Giống như vụ Formosa, cần có thời gian xem xét kỹ lưỡng sau đó mới kết luận nguyên nhân cho rõ ràng, sau đó mới công bố nguyên nhân nhân. “Cá chết tại Hồ Tây một phần có thể do các cống xả thải vào hồ, cũng có thể do tảo, cũng có thể do nguyên nhân khác…  sau này sẽ có kết luận chính thức làm rõ. Đến giờ hiện tượng cá chết đã dừng, TP cũng đã bổ sung ba máy tạo oxy chứ khi cá chết thì chỉ số oxy bằng 0” - ông Sửu nói.

Cá chết có thể do cống xả thải vào Hồ Tây ảnh 3
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Các tỉnh thi nhau kêu gọi nước ngoài đầu tư về các dự án, xem nhẹ vấn đề môi trường, mà Formosa là ví dụ điển hình”

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là vấn đề trước đây không ai để ý nhưng đến giờ thì nổi cộm và cần phải được xử lý một cách khoa học. Tổng Bí thư dẫn chuyện khi ông được Trung ương phân công về làm bí thư Thành ủy Hà Nội thì việc đầu tiên làm là xây dựng bãi rác Sóc Sơn (Hà Nội). Lúc đó rác thải y tế đổ bên ngoài bừa bãi, không ai để ý nhưng giờ thì phải chôn lấp, hủy rồi tiến tới áp dụng khoa học công nghệ biến rác thành phân bón, thành điện.

Tổng Bí thư cho rằng hậu quả môi trường hiện nay là do một giai đoạn “các tỉnh thi nhau kêu gọi nước ngoài đầu tư về các dự án, xem nhẹ vấn đề môi trường, mà Formosa là ví dụ điển hình”. “Nhiều nơi khác cũng nảy sinh ra vấn đề môi trường. Cá Hồ Tây, cá rất nhiều sông bây giờ cũng bị ô nhiễm… nguyên nhân chưa biết nhưng chắc là do chất thải. Trong quá trình phát triển đi lên thì nó đẻ ra cái tiêu cực là ô nhiễm môi trường, chúng ta phải xử lý một cách khoa học” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.