Cả trăm nhà dân nứt toác do tác động từ việc xây kênh 4000 tỉ

Theo tìm hiểu của PV, dự án kênh bắc sông Chu - nam sông Mã (thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt) do Ban quản lý Đầu tư xây dựng thủy lợi 3 (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư với tổng dự toán hơn 4.300 tỉ đồng, được khởi công từ năm 2011.

Trong quá trình thi công qua xã Nguyệt Ấn do nhiều đá ngầm lớn vì thế nhà thầu buộc phải sử dụng phương án nổ mìn mở kênh. Tuy nhiên, chính phương án này đã dẫn đến hàng trăm ngôi nhà bị nứt toác, ảnh hưởng, mất đi nguồn nước sinh hoạt.

Không chỉ bị rạn nứt nhiều hộ dân khác đang còn phải sống trong những ngôi nhà có nguy cơ đổ sập bất cứu lúc nào. Đối với những hộ dân nằm trong diện phải di dời khẩn cấp nhưng đến nay họ vẫn chưa để di chuyển đến nơi ở mới được vì chậm đền, có những ngôi nhà dù chỉ mới xây hàng trăm triệu đồng đã bị nứt toác, hư hại nghiêm trọng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Ấn, cho biết xã có 349 nhà dân bị rạn nứt, hư hỏng, trong đó có 28 nhà thuộc diện cảnh báo nguy hiểm. Hiện nay tất cả hộ chưa nhận được tiền hỗ trợ, bồi thường vì do chưa thống nhất được đơn giá.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc Phạm Công Cúc cho biết về tiền hỗ trợ, bồi thường nhà dân bị rạn nứt chủ đầu tư chưa bố trí được vốn, trong khi huyện đang bàn bạc, đôn đốc nhà đầu tư tiền đền bù nhà bị ảnh hưởng gồm xây dựng nhà máy nước sạch; di chuyển những hộ gần khu vực kênh để tránh bị ảnh hưởng. Tổng số tiền dự toán để giải quyết các vấn đề trên khoảng 58 tỉ đồng.

Hợp phần kênh bắc sông Chu - nam sông Mã) thi công qua xã Nguyệt Ấn, với chiều dài khoảng 7 km. Cũng trong khoảng thời gian thi công này, nhà thầu chỉ có thể sử dụng phương án nổ mìn để mở kênh và cũng chỉ sau thời gian ngắn thi công đã khiến 349 nhà dân ở các thôn Minh Thạch, Liên Cơ 1, Liên Cơ 2, Liên Cơ 3, Nán, Tường, Khe Ba bị rạn nứt, hư hỏng. Ảnh: Đ.TRUNG

Có đến 349 hộ dân thuộc xã Nguyệt Ấn, Ngọc Lặc (Thanh Hóa) bị ảnh hưởng đến nhà cửa trong đó có 28 ngôi nhà nằm trong diện nguy hiểm buộc phải di dời sau khi kênh Bắc Sông Chu hoàn thành. Ảnh: Đ.TRUNG

Một ngôi nhà bị ảnh hưởng buộc người dân phải di dời đến nơi ở mới. Ảnh: Đ. TRUNG

Ngôi nhà Nguyễn Văn Tứ (35 tuổi) Liên Cơ 1 cách vị trí nổ mìn cả trăm mét, nhưng vẫn bị ảnh hưởng tới mức phải di dời, tường nhà bong tróc, nền nhà tường đều bị rạn nứt, nguy hiểm. Ảnh Đ.TRUNG

Anh Nguyễn Văn Tứ cho biết sau khi nhà xuống cấp anh buộc phải đóng cửa tiệm cho thuê áo cưới và đưa vợ con về quê ngoại sinh sống. Ảnh: Đ. TRUNG

Không chỉ có những ngôi nhà cũ nhiều ngôi nhà mới xây xong nhưng do cách vị trí nổ mìn mở kênh chưa đầy 50 m đã bị nứt toác có những trụ có đổ bê tông. Ảnh: Đ. TRUNG

Ông Nguyễn Hữu Tư (61 tuổi) cho biết gia đình ông đã phải gom góp cả đời mới xây dựng được ngôi nhà hai tầng khang trang với giá trị khoảng 600 triệu đồng nhưng khi nhà thầu nổ mìn từ đó nhà ông bắt đầu rạn nứt. Lúc đầu chỉ khoảng từ 1 đến 2 cm nhưng theo thời gian thì vết nứt to dần lên, có những vết lên đến 18 cm và toàn bộ ngôi nhà có khoảng 60 điểm nứt, rạn. Ảnh: Đ.TRUNG

Những vết nứt trên kéo dài, cùng với đó nhiều ngôi nhà bị nghiêng xô ra phía sau 1-5 cm. Ảnh: Đ.TRUNG

Ông Tư cho biết nhiều tháng qua gia đình ông mòn mỏi chờ đợi đền bù để tìm đến nơi ở mới. Ảnh: Đ.TRUNG

Bà Lê Thị Sen (65 tuổi) ở thôn Liên Cơ 1 (Nguyệt Ấn) kể từ khi nổ mìn thi công kênh, giếng nhà bà cũng như hàng trăm giếng khác trong xã không còn một giọt nước. Có gia đình thuê máy khoan về nhưng nhiều gia đình khoan không có nước. Theo bà Sen, gia đình bà thường phải bỏ ra từ 50.000-100.000 đồng để mua nước sạch sinh hoạt. Ảnh: Đ.TRUNG

 Cũng theo ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch xã Nguyệt Ấn, cho biết toàn xã có hơn 400 giếng bị mất nước, trong đó 300 giếng mất hoàn toàn, hơn 100 giếng lúc có lúc không. Trong ảnh một nhà dân không chờ đợi cơ quan chức năng đã chủ động khoan giếng lấy nước sinh hoạt, tuy nhiên muốn có nước phải khoan hàng trăm mét rất tốn kém. Ảnh: Đ.TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm