'Các anh hùng liệt sĩ đã làm rạng rỡ dân tộc'

Ngày 27-7, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự lễ mít-tinh kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 và 27-7-2017).

Dự lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn...

Máu đào tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang của đất nước

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới các lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.

Theo Tổng Bí thư, trong suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do, sự thống nhất toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Trong các cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ mít-tinh kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sĩ. Ảnh: V.Long

"Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Hàng triệu anh hùng liệt sĩ, ông bà cha mẹ, người vợ, người chồng, người con... mãi mãi không bao giờ được gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Các anh hùng liệt sĩ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Tiếng thơm của các đồng chí đó sẽ muôn đời lưu truyền trong sử sách" - Tổng bí thư nói.

Tổng bí thư nhắc lại, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Khi đất nước mới được độc lập, người đã ra sắc lệnh nhận con em những anh hùng liệt sĩ làm con nuôi. Trong giai đoạn cuộc kháng chiến đang gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm để làm ngày thương binh để bày tỏ tình cảm thắm thiết, sâu sắc. Theo đó, tại Đại Từ, Thái Nguyên, ngày 27-7-1947 đã được chọn để ghi dấu hoạt động tri ân, chăm lo với những người có công với cách mạng và gia đình họ.

70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đến nay có hơn 9 triệu lượt người có công được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi... Đồng thời cũng đã đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ, xây dựng, tu bổ hàng ngàn các nghĩa trang liệt sĩ...

Theo Tổng Bí thư, những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc. Với ý chí tự lực tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, những gương sáng trong công tác, học tập.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Quan tâm chăm sóc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh bệnh binh gia đình liệt sĩ người có công với cách mạng là chủ trương quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, là đạo lý truyền thống của dân tộc. Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII cũng nhấn mạnh thực hiện tốt chính sách đối với người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực của xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để đảm bảo người có công có mức sống từ trung bình trở lên.

Đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ

Để phát huy kết quả và thành tích đã đạt được trong 70 năm qua, đồng thời tiếp tục chăm sóc người có công bệnh binh gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, Tổng Bí thư yêu cầu trong thời gian tới các cấp ủy chính quyền, MTTQ và các đoàn thể và tổ chức xã hội cần tiếp tục và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh bệnh binh gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ đảng viên và nhân dân.

Cần nhận thức sâu sắc rằng thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân vừa là yếu tố đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Từ đó biến nhận thức thành hành động thiết thực cụ thể góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào đền ơn đáp nghĩa toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

Ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như phụng dưỡng các mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác người có công với cách mạng. Trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu đến năm 2020 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Cạnh đó, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng.

Quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Bằng những việc làm cụ thể, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân cần tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

"Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên công ơn to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng. Chúng ta nguyện sống chiến đấu lao động và làm việc xứng đáng với các bậc tiền nhân, với những người đã hy sinh vì dân vì nước...", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Sáng 27-7,  lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm