Cải cách để khỏi ném tiền vào thùng không đáy

Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu đã chính thức đi vào hoạt động. Phát biểu tại lễ nhậm chức tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, người đứng đầu Chính phủ đã chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ khởi đầu cam kết cho một chặng đường năm năm của nhiệm kỳ mới. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với đại biểu Quốc hội (ĐBQH), luật sư Trương Trọng Nghĩa xung quanh những cam kết của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ này.

Lần đầu tiên công khai cam kết sử dụng tiền thuế trước dân

. Phóng viên: Thưa ông, một trong những điểm nhấn của Chính phủ lần này như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân”. Theo ông, điều này nên được hiểu thế nào và Chính phủ phải làm gì để thực sự nói đi đôi với làm?

+ Luật Trương Trọng Nghĩa:Có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân” là một câu nói đơn giản nhưng lại là một nguyên tắc bắt buộc, một nghĩa vụ pháp lý chung của mọi nhà nước…

Nếu tôi không lầm, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam công khai cam kết tuân thủ nghĩa vụ này trước nhân dân. Cam kết này cũng có nghĩa là nhân dân sẽ trực tiếp và thông qua các cơ quan đại diện của mình như QH, HĐND, MTTQ và các tổ chức xã hội giám sát việc thực hiện nghĩa vụ này của Chính phủ. Tôi tin rằng nhân dân và các ĐB dân cử đều hoan nghênh cam kết này của Chính phủ, vì điều đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của một nhà nước “của dân, do dân, vì dân”.

. Thủ tướng chỉ ra rằng: “Để phát triển nhanh và bền vững, phải tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư. Muốn vậy, phải đẩy mạnh cải cách thể chế, chấn hưng giáo dục và khoa học công nghệ”. Trong tình hình nợ công, nợ xấu như hiện nay, ông có nghĩ đây là những nhiệm vụ vượt sức của Chính phủ hay không?

+ Tôi ủng hộ giải pháp trên đây của Chính phủ. Chính trong tình hình nợ công, nợ xấu đang báo động, ngân sách eo hẹp như hiện nay, giải pháp đó lại càng có ý nghĩa. Cải cách thể chế không tốn nhiều tiền nhưng sẽ tạo ra động lực phát triển.

Cải cách giáo dục, đầu tư cho khoa học và công nghệ đúng mức, đúng hướng sẽ tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, từ đó làm tăng năng suất xã hội và hiệu quả đầu tư. Tất nhiên, làm những điều trên đều cần phải có tiền nhưng sẽ rẻ hơn và hiệu quả hơn nhiều so với việc đổ tiền ào ạt vào các dự án đầu tư công hàng chục ngàn tỉ đồng “trùm mền, đắp chiếu, bỏ hoang” như hàng chục năm qua. Nếu chỉ dùng một phần chi phí đầu tư ấy vào cải cách thể chế, giáo dục, nâng cấp công nghệ thì năng suất và hiệu quả sẽ tăng gấp nhiều lần, kinh tế sẽ phát triển lành mạnh và bền vững. Nếu tiếp tục đầu tư theo kiểu cũ mà vẫn không cải cách, chúng ta sẽ tiếp tục ném tiền vào chiếc thùng không đáy, đi đến chỗ lệ thuộc nước khác về kinh tế và tài chính, sa vào bẫy thu nhập trung bình; độc lập, chủ quyền sẽ bị tác động từ đây.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 1 tại trạm bơm tiêu úng Cốc Thành, huyện Vụ Bản (Nam Định) ngày 31-7. Ảnh: TTXVN

Giám sát Formosa phải lấy lợi ích của dân làm trọng

. Ông là người đề xuất phải có giám sát tối cao hoặc giám sát cấp Ủy ban Thường vụ QH trong vấn đề môi trường nói chung và Formosa nói riêng nhưng QH quyết chỉ giám sát cấp ủy ban của QH. Ông có an tâm về điều này?

+ Nếu tổ chức giám sát khách quan, trung thực, liêm chính, đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên hết thì với quy định hiện nay, cấp ủy ban của QH cũng có thể làm được việc, đạt kết quả như nhân dân mong đợi.

Tuy nhiên, thảm họa môi trường do Formosa gây ra có quy mô quá lớn, tính chất rất phức tạp, đa chiều, các yếu tố kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ, xã hội và pháp lý đan xen lẫn nhau. Do đó tôi cho rằng nếu cùng lúc có thêm sự tham gia của một số ủy ban, ví dụ Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Về các vấn đề xã hội thì sẽ có đủ lực lượng chuyên môn để xem xét một cách toàn diện, thấu đáo và đề xuất những giải pháp tối ưu. QH và Chính phủ hợp tác, phối hợp tốt thì việc đánh giá, kết luận, xử lý sẽ sớm hoàn thành, các giải pháp sẽ có sự đồng thuận cao trong nội bộ nhà nước, giữa cơ quan lập pháp và hành pháp, giữa Nhà nước và nhân dân.

. Theo ông, QH và mỗi ĐB phải làm gì để giám sát những cam kết của Thủ tướng, của Chính phủ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sự cố như Formosa, việc thực hiện tinh giản biên chế, sử dụng đúng tiền thuế của dân?

+ Chỉ cần QH, từ các vị lãnh đạo cao nhất đến Ủy ban Thường vụ và các ủy ban, từ các đoàn ĐB đến từng ĐB, làm tốt chức năng, nhiệm vụ và vai trò theo luật định của mình, luôn nung nấu tình cảm và tâm huyết đối với nhân dân, luôn cố gắng làm tròn lời hứa với cử tri khi ứng cử thì tình hình mọi mặt của đất nước sẽ được chuyển biến tích cực. Sai lầm, khuyết điểm của bộ máy nhà nước theo đó cũng sẽ được ngăn chặn, phòng tránh, giảm thiểu, từ đó quyền lợi của nhân dân, lợi ích quốc gia và chủ quyền đất nước sẽ được bảo đảm tốt hơn.

CHÂN LUẬN thực hiện

. Phóng viên: Thủ tướng phát biểu nhậm chức nêu rằng: Muốn thu phục nhân tài, lãnh đạo phải công tâm, sáng suốt. "Ngày nay nhân tài, hiền tài của Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài không thiếu, phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước". Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

+ Luật sư Trương Trọng Nghĩa: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” là một chân lý, một bài học không mới. Thủ tướng đã dẫn lời tiền nhân từ 600 năm trước. Lãnh đạo thực sự vì dân, vì nước thì phải tạo ra, tập hợp, lắng nghe và trọng dụng hiền tài. Tuy nhiên, hiền tài thì không biết thủ đoạn, lại trung thực, thấy đúng nói đúng, thấy sai nói sai, không thích xu nịnh, chạy chọt. Vì vậy, muốn thu phục nhân tài thì lãnh đạo phải công tâm, sáng suốt, liêm chính, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, lắng nghe nhiều chiều, thậm chí trái chiều, miễn là trung thực và có thiện ý, tránh quy chụp và độc quyền chân lý. Nhân tài trong nước cũng không ít nên trước hết phải có chính sách để đào tạo, tập hợp và trọng dụng họ.

Nếu không làm được điều này thì người trong nước cũng nản lòng bỏ đi mà người ở nước ngoài cũng không yên tâm trở về.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm