Cấm ghi âm tại hội nghị có nội dung bí mật nhà nước

Bộ Công an đang đăng tải dự thảo lần hai Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Theo đó, nội dung nghị định sẽ quy định chi tiết về việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ…

Bộ Công an đề xuất nghiêm cấm việc mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào trong các cuộc hội thảo, hội nghị có nội dung bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật và tối mật. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, dự thảo dành hẳn Điều 6 để quy định rất rõ về địa điểm tổ chức, phương án bảo vệ và sử dụng các phương tiện, thiết bị tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước.

Trong đó, điểm b khoản 2 quy định người tham dự không được mang thiết bị có tính năng thu, phát tin, ghi âm, ghi hình vào trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật. Đối với hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Mật việc sử dụng phương tiện, thiết bị được thực hiện theo yêu cầu của người chủ trì.

Như vậy, so với Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, quy định này tại dự thảo đã được chi tiết hơn. Bởi khoản 8 Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nghiêm cấm tuyệt đốt việc sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.

Cũng theo dự thảo, việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải tiến hành ở nơi bảo đảm an toàn do lãnh đạo của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước quy định. Việc sao, chụp phải được ghi vào “Sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước”.

Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải làm bì hoặc đóng gói riêng. Giấy làm bì phải dùng loại giấy dai, bền, khó thấm nước, không nhìn thấu qua được; hồ dán phải dính, khó bóc.

Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc độ “Tuyệt mật” phải được gửi bằng hai lớp phong bì: Bì trong ghi rõ số, ký hiệu của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, tên người nhận, đóng dấu Tuyệt mật ở ngoài bì; trường hợp gửi đích danh người có trách nhiệm giải quyết thì đóng dấu “Chỉ người có tên mới được bóc bì”. Bì ngoài ghi như gửi tài liệu thường và đóng dấu ký hiệu chữ “A”.

Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ “Tối mật” và “Mật” được gửi bằng một lớp bì, bên ngoài bì có đóng dấu chữ “B” và chữ “C” tương ứng với độ mật của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước bên trong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm