Cần ‘mở đường’ cho sáng kiến xử lý của địa phương

“Hơn một tháng nay, dưới chân cầu Trường Đai không có một bịch rác, còn cầu Bến Phân đã ba tuần không thấy ai đổ rác rồi” - ông hào hứng chia sẻ.

Cách làm của phường 13 là làm cuốn chiếu. Chọn điểm nóng để làm trước, làm mạnh. Phường cử lực lượng bảo vệ dân phố (BVDP), cán bộ khu phố lập điểm canh giữ để bắt và xử lý hành vi đổ rác bậy. Kể cả lãnh đạo phường cũng đi kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm là lập tức xử lý ngay.

Phường 13 đặc biệt chú trọng hình thức phạt bổ sung, buộc người vi phạm khắc phục hậu quả để “nhớ đời”, không dám tái phạm nữa. Mới đây, một người dân lén đổ một bao to vỏ nghêu dưới chân cầu Trường Đai bị BVDP phát hiện. Người này đã bị xử phạt, buộc thu gom hết số vỏ nghêu đã đổ bậy. Dưới sự giám sát của cán bộ phường, người này đã dùng xe ba gác gom được đến hơn một tấn vỏ nghêu đem đi xử lý.

Một lần khác, BVDP phát hiện người đổ rác thuê mang xe ba gác chở rác đổ ra bờ sông Vàm Thuật. Bị bắt tận tay nên người này chịu nộp phạt và cũng phải đi dọn hơn hai tấn rác ở tuyến kênh này. “Biết hoàn cảnh ông ấy khó khăn, chúng tôi đã liên hệ một điểm tập kết để ông ấy được mang rác đến đó xử lý. Đến nay người này không tái phạm” - ông Phong kể.

Ông Phong cho biết phường rất quyết tâm buộc người vi phạm khắc phục hậu quả. Với những điểm đã khắc phục xong sẽ gắn camera để quan sát. Thấy hiệu quả rõ rệt từ những điểm đen bị xóa, bà con đã ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và còn mạnh dạn báo tin khi thấy ai vi phạm.

“Bốn đường dây nóng của tất cả lực lượng khi nhận tin báo của người dân thì lập tức 2-3 phút sau phải có mặt để xử lý. Với mỗi tin báo, người dân sẽ được nhận 40.000 đồng” - ông Phong thông tin thêm.

Khi hỏi rằng phường 13 có gặp khó khăn gì trong vấn đề phân bổ lực lượng xử lý vi phạm không, ông Phong tự tin đáp: “Mỗi người dân đã là một lực lượng rồi và tất cả cán bộ, lực lượng chức năng ở phường đều phải có trách nhiệm với việc này”.

Trong khi đó, phường Linh Xuân (quận Thủ Đức) lại thực hiện đẩy mạnh xây dựng các tổ kiểm tra lưu động ở năm khu phố trọng điểm để tăng cường nhắc nhở người dân. Ông Trần Duy Long, chủ tịch phường này, cho rằng công tác tuyên truyền cũng vô cùng quan trọng bởi nghe nhiều thì nhớ nhiều, từ nhớ sẽ chuyển thành hành động đúng đắn. “Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Ý thức và sự chủ động của người dân hoàn toàn có thể giúp địa phương kiểm soát được tình trạng này” - ông Long nhấn mạnh.

Dựa vào đặc thù địa bàn, các địa phương khi xử lý vấn đề của mình có lẽ rất cần được mở rộng quyền hạn hơn, linh hoạt hơn trong việc vận dụng các quy định pháp luật. Nơi nào có sáng kiến, cải tiến trong cách tổ chức xử phạt và chứng minh được bằng hiệu quả thực tế thì rất đáng để học hỏi.

Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm pháp luật - Sở Tư pháp TP.HCM, nhận định: Các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc xử phạt đều rất đáng hoan nghênh và cần được tiếp nhận, nghiên cứu. Tuy nhiên, do đặc điểm của hoạt động xử lý vi phạm hành chính là rất đặc thù, là biện pháp chế tài của Nhà nước nên đòi hỏi quá trình thực hiện phải tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Các đề xuất cần được phân loại: Những giải pháp có thể thực hiện được ngay và những giải pháp liên quan đến việc phải điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật để tiếp tục nghiên cứu. “Để nâng cao hiệu quả cần sự tổng hợp của nhiều biện pháp. Bên cạnh việc tiếp tục kiên trì đề xuất điều chỉnh quy định pháp luật phù hợp hơn với thực tiễn, nâng cao ý thức của người dân còn có trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc bảo đảm áp dụng đầy đủ các quy định pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm” - bà Liên nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm