Cần phối hợp giải quyết sớm, giúp người dân từ TP.HCM được về quê

Những ngày qua, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày một phức tạp, TP.HCM đã tăng cường nhiều giải pháp khi tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Trong bối cảnh ấy, nhiều người lao động, học tập, sinh sống tại TP.HCM có nhu cầu được trở về quê nhà. Trao đổi nhanh với Pháp Luật TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life) nhận định: Giải quyết cho người lao động về quê một cách an toàn không chỉ là vấn đề nhân đạo, mà còn giúp TP.HCM và các tỉnh lân cận có thể quản lý tốt hơn chính sách chống dịch của mình.

Về quê là chọn lựa được nhiều người tính đến 

. Phóng viên: Thưa ông, các khảo sát của Viện Social Life cho thấy nhu cầu về quê tránh dịch của người lao động tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận như thế nào?

+ PGS.TS Nguyễn Đức Lộc: Chúng tôi có phỏng vấn sâu một số người lao động tại TP.HCM có thường trú tại các tỉnh. Khi dịch bùng phát vào tháng 4, có những người chần chừ muốn nán lại TP vì họ sợ về quê sẽ bị kỳ thị, ảnh hưởng chuyện làm ăn của gia đình. Ngoài ra, họ cũng lo về quê rồi thì mất việc trên này. Nhiều người thì tin rằng họ có thể cầm cự được cho tới khi TP hết dịch. 

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, tình thế hiện nay thì đã khác. Dịch không chỉ ở TP.HCM mà còn xuất hiện tại nhiều tỉnh thành. Ngoài TP thì hàng chục địa phương khác đã áp dụng Chỉ thị 16, hạn chế tối đa các hoạt động đi lại, nhất là bằng phương tiện cá nhân.

Trong khi đó, sau khoảng hai tháng qua, đại dịch đã khiến nhiều người lao động, nhất là nhóm công nhân, lao động tự do,… đã không thể cầm cự tiếp tục, dù chính quyền TP đã nỗ lực triển khai các gói cứu trợ và các đoàn thể thiện nguyện đã vào cuộc mạnh mẽ.

Các dự báo tình hình dịch cho thấy TP sẽ còn khó khăn trong vài tuần tới, thế nên nhu cầu trở về quê của người lao động là rất cao. Về quê bây giờ là giải pháp để họ cắt giảm tiền thuê nhà, điện, nước, sinh hoạt, đồng thời giải tỏa tâm lý căng thẳng khi được đoàn tụ với gia đình, người thân.

.Theo quan sát của ông, việc giải quyết nhu cầu về quê của người dân cho đến lúc này được thực hiện như thế nào?

+ Qua thông tin từ báo chí có thể thấy TP.HCM và nhiều tỉnh thành đã giải quyết cho nhiều người về quê an toàn. Điều này có ý nghĩa rất lớn: Một là giảm tải nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt ở các khu trọ, xóm nhà lụp xụp, các con hẻm sâu… Điều đó gián tiếp giảm áp lực cho hệ thống chống dịch và hệ thống y tế của TP. Hai là nó cho thấy TP và các địa phương có chính sách nhân đạo, chăm lo cho người dân.

Tôi thấy cách làm rất đa dạng, từ việc giúp người dân đi xe máy về quê, đến tàu xe, thậm chí còn hỗ trợ vé máy bay. Rất nhiều người cảm kích. Bên cạnh đó, việc tổ chức người lao động về quê còn là giải pháp chuẩn bị cho giai  đoạn phục hồi. Khi các công ty, doanh nghiệp chủ động nắm đầu mối thông tin người lao động, khi hết dịch doanh nghiệp hoạt động trở lại thì vấn đề nguồn lao động cũng phải tính tới. Việc người lao động đã quen việc được mời gọi trở lại làm việc sẽ tốt cho cả đôi bên, người lao động có thông tin chính thức từ doanh nghiệp, doanh nghiệp kiểm soát được nguồn lao động, đỡ phải tuyển dụng và đào tạo các thao tác vận hành máy móc trong doanh nghiệp.

Người dân Bình Định sống ở TP.HCM được tỉnh nhà đưa máy bay đón về quê hương. Ảnh: T. LỘC 

Tuy nhiên, rõ rang vẫn còn rất nhiều người khác mong muốn về nhưng còn mắc kẹt. Một bài học mà chúng ta cần nhớ: Trước đây Việt Nam từng tổ chức nhiều chuyến bay nhân đạo đón bà con ở nước ngoài về quê hương. Tuy nhiên, cũng có những người chưa tiếp cận được, nên họ phát sinh tâm lý “xé rào”, muốn về quê bằng mọi cách. Họ băng theo các “đường mòn, lối tắt”, thậm chí vượt qua các chốt kiểm dịch để về quê hương. Điều này theo tôi biết đã có hiện tượng diễn ra giữa các tỉnh, thành.

Trên mạng xã hội, có những nhóm kín chia sẻ cách đi xe máy, luồng lách qua các con hẻm, khu dân cư, đi theo các con đường tránh trạm kiểm soát để có thể rời TP.HCM về các tỉnh lân cận. Điều đó có thể phá vỡ nỗ lực chống dịch của TP và các tỉnh khác. Bởi vì khi “đi chui”, họ có thể dừng chân tại nhiều địa điểm, tiếp xúc người khác để vừa “né” lực lượng kiểm tra, vừa lo cho chuyện ăn ở dọc đường. Nguy cơ lây nhiễm cao, khó truy vết. Đó là chưa kể vấn đề an ninh-trật tự, như cướp giật có thể xảy ra trên hành trình họ trở về quê hương theo cách như vậy.

Nếu các tỉnh, thành có nhu cầu đưa người dân từ TP.HCM về địa phương: UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông vận tải chủ động chủ trì, phối hợp công an TP, Sở Y tế, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các đơn vị có liên quan tích cực hỗ trợ, phối hợp Hội đồng hương của các tỉnh, thành tổ chức đưa người dân về địa phương theo đề nghị của các tỉnh, thành. Quá trình thực hiện phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch COVID 19.

Giải pháp nào cho các tỉnh, thành?

. Phóng viên: Một thực tế là các tỉnh cũng đang chịu áp lực chống dịch. Họ có lý khi lo lắng nếu người lao động về quê phát sinh ca nhiễm thì hệ thống y tế của họ không thể chịu được. Đó là chưa kể các vấn đề về nơi cách ly, chi phí phát sinh. Như vậy rất khó để mở cửa đón người dân về?

+ Các tỉnh lo lắng như vậy là đúng thôi, nhưng không có nghĩa là không giải quyết được. Tôi thấy các tỉnh, thành cần lập ra bộ phận thường trực tiếp nhận nhu cầu về quê của người lao động. Chính quyền các tỉnh phải liên hệ với nhau để có kế hoạch đưa, đón người dân. Chống dịch thì tỉnh nào có điều kiện nên chủ động giúp tỉnh kia, người dân tỉnh nào cũng là người Việt Nam của mình cả. Lúc này các tỉnh phải đoàn kết thì mới nắm bắt nhu cầu của người dân và lên phương án.

Khi có danh sách, số lượng thì có thể chuẩn bị nguồn lực. Nên xét nghiệm để đảm bảo âm tính, về đến quê thì cho họ tự cách ly tại nhà. Tôi cho rằng chi phí cho các hoạt động này sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với việc phải chăm lo, đảm bảo cái ăn cho người bị kẹt lại; ngoài ra còn giảm các rủi ro lây nhiễm, nguy cơ “xé rào” làm ảnh hưởng nỗ lực chống dịch. Quan trọng không kém, “túng” quá dễ sinh “quẩn”, người lao động bị mắc kẹt lâu ngày cũng có thể bị sang chấn tâm lý, dẫn đến nguy cơ gây rối, phản ứng thái quá gây mất an ninh-trật tự xã hội.

. Có những người vì một số lý do khách quan nên vẫn còn kẹt lại TP, nên giải quyết thế nào thưa ông?

+ Cho dù vì lý do chống dịch hay nhân đạo, thì TP cũng cần huy động nguồn lực, chi ngân sách để giúp những người này có cái ăn trước đã. Ngoài ra, nên giảm tiền điện, nước; kêu gọi các chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà… Đây là những gánh nặng thường trực với họ, nếu được giải quyết nhanh thì họ sẽ an tâm ở yên trong nhà. Muốn vậy, tôi phải nhấn mạnh lại vai trò của các cán bộ cơ sở là rất quan trọng. Từ tổ trưởng dân phố, đến cán bộ phường cần kết nối với từng hộ dân, làm đầu mối thông tin để nhận phản ánh và giải quyết nhu cầu cấp thiết (ăn, ở, chữa bệnh…).

. Xin cám ơn ông. 

Đón người dân về vừa là trách nhiệm vừa là sự sẻ chia với TP.HCM

Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay ngày 30-7, tỉnh sẽ tổ chức chuyến bay thứ tư đưa người Bình Định đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại TP.HCM về quê. Trước đó đã có hơn 600 người Bình Định tại TP.HCM được tỉnh đón về quê bằng ba chuyến bay.

Theo ông Nguyễn Phi Long, ngay sau khi có văn bản của Bộ Y tế về đưa người các tỉnh tại TP.HCM về quê để góp phần giảm tải cho TP.HCM phòng chống dịch COVID-19, tỉnh Bình Định đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đưa bà con Bình Định đang gặp khó khăn về quê. Theo đó, trong tháng 7-2021, tỉnh Bình Định đón khoảng 1.000 bà con về quê; sau đó tỉnh sẽ tính toán để thực hiện tiếp.

“Những người Bình Định sinh sống, làm việc ở TP.HCM có điều kiện tốt thì có thể ở yên tại đó đảm bảo việc phòng chống dịch hoặc đã về quê rồi. Tuy nhiên, phần lớn những người bị mắc kẹt là bà con lao động nghèo, khó khăn, sinh viên… Tỉnh không thể để bà con bị mắc kẹt giữa khó khăn và sẽ tìm cách tạo điều kiện để đưa bà con về quê, giúp bà con bớt khó khăn, vất vả”- ông Long nói.

Sau khi về đến quê nhà, những người Bình Định về từ TP.HCM được cách ly tập trung bảy ngày, xét nghiệm COVID-19 nhiều lần. Sau thời gian trên, những người có kết quả âm tính sẽ được về nhà để tiếp tục cách ly, theo dõi.

Toàn bộ mọi chi phí đi lại, ăn ở, xét nghiệm đều được tỉnh Bình Định hỗ trợ. Riêng chi phí máy bay được chi trả từ nguồn xã hội hóa do tỉnh Bình Định vận động tài trợ.

“Việc đón bà con Bình Định về quê vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của tỉnh; đồng thời chia sẻ một phần khó khăn với TP.HCM vào lúc này. Dù khó khăn thế nào nhưng khi về quê nhà bà con sẽ ấm lòng”- ông Nguyễn Phi Long nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay hãng xe Phương Trang đã thống nhất hỗ trợ tỉnh vận chuyển miễn phí toàn bộ người Phú Yên từ TP Hồ Chí Minh về quê. Trước mắt sẽ chở hơn 6.000 công dân Phú Yên tại TP.HCM đã đăng ký.

 Cần phối hợp giải quyết sớm, giúp người dân từ TP.HCM được về quê ảnh 3
Chủ Tịch UBND tỉnh Phú Yên đến thăm hỏi và chỉ đạo công tác tiếp nhận, lấy mẫu xét nghiệm người dân được đưa về từ TP.HCM. Ảnh: MÃ PHONG 

Theo ông Thế, hiện có rất đông người Phú Yên, phần lớn là lao động tự do, bán vé số, sinh viên đang bị mắc kẹt tại TP.HCM do dịch COVID-19. “Chúng tôi rất hiểu được nỗi khổ của bà con đang bị mắc kẹt lại. Do đó, dù tình hình dịch COVID-19 tại Phú Yên đang rất phức tạp nhưng chúng tôi cố gắng hết sức để đưa tất cả bà con có nhu cầu, đáp ứng các quy định về phòng chống dịch về quê. Chúng tôi xác định việc tổ chức đưa bà con về quê sẽ tăng tính an toàn, hạn chế lây nhiễm, kiểm soát được nguồn lây bệnh. Mặt khác, việc đưa người Phú Yên về quê còn góp phần chia sẻ với TP.HCM trong công tác phòng chống dịch”- ông Thế nói.

Theo ông Thế, hiện nay tỉnh Phú Yên đang tận dụng thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để thần tốc truy vết, tách hết F0 ra khỏi cộng đồng. Việc đón hàng nghìn người Phú Yên từ TP.HCM về quê có thể sẽ khiến tình hình dịch càng thêm phức tạp. Tuy nhiên, tỉnh Phú Yên xác định đây vừa là nhiệm vụ vừa là  phòng chống dịch, nhưng đây là trách nhiệm vừa là nghĩa đồng bào nên tỉnh phải cố gắng hết sức để vừa tổ chức đón người về từ TP.HCM vừa triển khai đồng bộ hàng loạt biện pháp phòng dịch để kiểm soát, ngăn ngừa dịch lây lan.

Theo đó, trước khi lên xe, tất cả bà con phải khai báo y tế, kiểm tra xác định có bị F1, F2 hay không, test nhanh và có kết quả âm tính. Khi về tới Phú Yên, vừa xuống xe, người dân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định. Nếu có kết quả âm tính, người dân sẽ cách ly tại nhà 14 ngày. Trong thời gian cách ly, cơ quan chức năng địa phương sẽ giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tối thiểu ba lần. Những người dân về từ TP.HCM không có điều kiện cách ly tại nhà sẽ được đưa đi cách ly tập trung. Tỉnh sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí xét nghiệm.      

TẤN LỘC 

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy