Cần sớm có cơ chế để TP Thủ Đức phát triển

Trước những điểm nghẽn mà TP Thủ Đức gặp phải khi vận hành theo cơ chế cấp huyện, đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, đại biểu TP Thủ Đức, cho hay chưa có cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức là điều chưa trọn vẹn...

Đại biểu Cao Thanh Bình.

Nếu không có cơ chế đặc thù sẽ rất khó phát triển

. Phóng viên: Là đại biểu ở TP Thủ Đức, qua một năm thành lập, ông có thể khái quát bức tranh của TP Thủ Đức hiện nay?

+ Ông Cao Thanh Bình: Chủ trương thành lập TP Thủ Đức là đề án mà TP.HCM đeo đuổi thời gian dài, người dân đặt rất nhiều kỳ vọng.

Sau khi thành lập TP Thủ Đức, chúng ta đã mất nhiều thời gian để củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, các cơ quan chính quyền, phòng ban, sắp xếp cán bộ. Tiếp đó là năm tháng ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nên việc thực hiện một số mục tiêu của TP Thủ Đức còn chậm so với dự kiến.

Năm qua, TP Thủ Đức chỉ khởi động được việc thành lập Phòng KH&CN. Còn các đề án như Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trung tâm hạ tầng, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực... vẫn còn trên giấy.

Ngay từ đầu chúng ta cũng mong mỏi hình hài TP Thủ Đức nổi bật với ba trụ cột là ĐH Quốc gia TP.HCM, Khu công nghệ cao và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, kết nối của ba trụ cột này chưa khởi động tốt…

. Vướng mắc của những việc này là gì, thưa ông?

+ Thời điểm Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM đánh dấu cột mốc mới. Tuy nhiên, điều chưa trọn vẹn là khi trình đề án TP Thủ Đức đã không trình song song với đề án về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức.

Phải có cơ chế đặc thù đi kèm, nếu không sẽ rất khó phát triển. Trước đây khi còn là ba quận thì lượng hồ sơ công việc đã quá tải rồi, giờ nhập ba quận mà cơ chế như cấp huyện lại càng khó khăn để phát triển hơn.

Một góc TP Thủ Đức nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG GIANG

Xin biên chế, phải chứng minh hiệu quả

TP Thủ Đức đã kiến nghị có cơ chế phân cấp, ủy quyền để phát triển TP nhằm thoát ra khỏi chiếc áo quá chật?

+ TP Thủ Đức chính là mô hình TP trong TP đầu tiên của cả nước nên việc hàng đầu là cần có cơ chế đặc thù mới vận hành được. Đặc biệt là phải có cơ chế về biên chế, con người; tính chủ động, quyết định của TP Thủ Đức, chủ động ngân sách, được giữ lại bao nhiêu nguồn thu để tái đầu tư địa phương.

Nếu TP Thủ Đức không phân cấp, ủy quyền thì rất khó bởi khối lượng công việc rất lớn, cũng không thể cứ dùng mãi cơ chế “xin - cho”.

Một đơn vị hành chính cấp huyện với 1,2 triệu dân mà quản lý 34 đơn vị cấp phường thì quản lý như thế nào? Cần dẫn chứng cho bộ, ngành thấy rằng nếu áp dụng cơ chế đó thì hiệu quả mang lại về kinh tế - xã hội, tác động đến mô hình mẫu của cả nước ra sao, chứ không phải chỉ xin với con số cụ thể.

Chẳng hạn nếu TP Thủ Đức có thêm 50 biên chế nữa thì sẽ mất 100 tỉ đồng để trả lương và các chế độ khác nhưng hiệu quả về kinh tế mang lại là 1.000 tỉ đồng.

Về phân cấp, phân quyền, cùng một loại hồ sơ, công việc nếu làm theo trình tự thủ tục bình thường sẽ mất ít nhất một tháng, tuy nhiên nếu được TP Thủ Đức ngay lập tức quyết định và giải quyết thì chỉ mất ba ngày... Dĩ nhiên việc phân cấp, ủy quyền này TP Thủ Đức phải tự chịu trách nhiệm.

Về biên chế, cần giao tổng biên chế TP Thủ Đức là bao nhiêu người hoặc TP Thủ Đức được quyền chủ động xem xét, bố trí con người ở các vị trí nào. Chẳng hạn phường đông dân cư thì bố trí nhiều hơn, phường dân cư ít thì bố trí vừa phải. Còn hiện nay nếu căn cứ theo Nghị định 34/2019 thì rất khó...

Góp ý của các chuyên gia

Nên cho quản lý Khu công nghệ cao, ĐH Quốc gia…

Trung ương nên cho phép TP.HCM được tự chủ thiết kế mô hình TP Thủ Đức phù hợp về cơ cấu tổ chức, biên chế, cấu trúc quy mô hành chính, các cơ quan chuyên môn phù hợp với tính chất đặc biệt của chính quyền TP trong TP.

Theo đó, TP Thủ Đức được ủy quyền quyết định hoặc phân cấp quản lý một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của TP.HCM; có chính sách đãi ngộ đặc thù cho cán bộ TP Thủ Đức...

TP.HCM cần nhanh chóng đề xuất trung ương phân cấp, ủy quyền mạnh cho TP bằng nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết 54/2017 bằng nghị quyết mới có nội hàm rộng và cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh hơn trên cơ sở Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM). Trong đó, chú trọng phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một chính quyền TP.

Nghiên cứu cơ chế thí điểm phân cấp ủy quyền, cho TP Thủ Đức được quản lý trực tiếp Khu công nghệ cao, khu ĐH Quốc gia, Khu chế xuất Linh Trung... để tăng tính chủ động, thẩm quyền, phát huy tối ưu mô hình TP thuộc TP…

PGS-TS TRƯƠNG THỊ HIỀNnguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM

Ưu tiên cho đầu tư hạ tầng

TP Thủ Đức đang hoạt động như cơ quan hành chính cấp huyện. Nếu áp đúng số biên chế và cơ cấu tổ chức hành chính như một huyện thì rất khó đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước trên địa bàn.

UBND TP.HCM đã giao các sở, ngành rà soát để phân cấp, ủy quyền nhiều hơn, rộng hơn, cao hơn cho chính quyền TP Thủ Đức.

Tới đây, Quốc hội sẽ tổng kết Nghị quyết 54/2017 về cơ chế, chính sách đặc thù và TP.HCM sẽ kiến nghị, đề xuất luôn những cơ chế mới đặc thù cho TP Thủ Đức.

TP Thủ Đức cần kiến nghị TP.HCM dành ngân sách, ưu tiên cho TP Thủ Đức đầu tư phát triển hạ tầng hằng năm.

Đại biểu VĂN THỊ BẠCH TUYẾT, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM 

Kết ni đồng bộ hạ tầng giao thông

. Bên cạnh vấn đề cơ chế, còn những giải pháp nào để phát triển TP Thủ Đức như kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân TP.HCM, thưa ông?

+ Muốn phát triển TP Thủ Đức thì hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phải được kết nối đồng bộ. Trong đó, đường vành đai 2 phải được khép kín, đường vành đai 3 phải khởi động gấp, khi hoàn thành mới kết nối hệ thống giao thông ở các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hệ thống cảng logistics mang tính chiến lược của cả nước đang đóng trên địa bàn TP Thủ Đức như Cát Lái, Phước Long… phải được tính toán về bến bãi, kho hàng, vận chuyển phù hợp. Làm sao sản phẩm logistics có giá thành phù hợp nhất vì giá thành của TP.HCM đang cao hơn rất nhiều so với khu vực.

TP Thủ Đức cần phải đi đầu về số hóa. Toàn bộ dữ liệu, giấy tờ, quản lý người dân đến các phản ánh kiến nghị cử tri, quản lý doanh nghiệp, quản lý môi trường, an sinh xã hội... phải được quản lý trên nền tảng dữ liệu 4.0 trong một kho dữ liệu dùng chung. Sau đó dữ liệu kết nối liên thông với các cơ quan hữu quan.

TP Thủ Đức còn có thể kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, kỹ sư lành nghề nước ngoài… đang sinh sống, làm việc trên địa bàn để họ hiến kế, đóng góp các giải pháp phát triển TP hiệu quả hơn.

TP Thủ Đức cũng cần khẩn trương đưa các đề án đi vào hoạt động để đáp ứng các kỳ vọng, mong mỏi của người dân…

. Xin cám ơn ông.

Cần hoàn thiện khung thể chế, chính sách

Trước mắt, cần có một văn bản quy phạm pháp luật quy định khung pháp lý, chính sách, trong đó bao gồm các cơ chế, chính sách thử nghiệm (sandbox) để quản lý, phát triển TP Thủ Đức.

Mục tiêu mà khung chính sách, thể chế thí điểm cho TP Thủ Đức là kiến tạo không gian phát triển (môi trường thực và môi trường số) và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đồng thời cung cấp cơ sở thực tiễn để hoàn thiện khung thể chế, chính sách cho mô hình TP thuộc TP trực thuộc trung ương.

Nội dung cơ bản của khung chính sách, thể chế thí điểm cần quy định cụ thể, rõ ràng thẩm quyền để chủ động tổ chức phát triển kinh tế - xã hội; huy động, quản lý sử dụng nguồn lực; thu hút, sử dụng nguồn nhân lực cao; các cơ chế, chính sách trong quản lý, điều hành và thẩm quyền trong tổ chức phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao.

Việc này có tính cấp bách và cần thiết vì là TP thuộc TP trực thuộc trung ương đầu tiên của cả nước.

Trong quá trình xây dựng khung thể chế, chính sách thí điểm cần tiếp cận theo hướng mở, chính sách thử nghiệm (regulatory sandbox); kết hợp phân quyền, tản quyền, tự quản địa phương với kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Tuy nhiên, đây là việc còn khá mới, ít kinh nghiệm nên cần phát huy vai trò tham vấn, tư vấn và đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước trên từng lĩnh vực. Đồng thời học hỏi kinh nghiệm quốc tế vì nhiều quốc gia đã thành công trong xây dựng và phát triển các đô thị sáng tạo như Đan Mạch, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc…

TS BÙI NGỌC HIỀN, Học viện Cán bộ TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm