Cần tạo 'động năng khác hẳn' cho khu vực kinh tế tư nhân

Sáng 5-11, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước trong thời kỳ chiến lược 2021-2030”.

TS Vũ Thành Tự Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÁ LÂM

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế nhằm tham vấn cho việc hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Đề cập đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, TS. Nguyễn Bá Ân, chuyên gia cao cấp, thành viên thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban kinh tế - xã hội, cho biết một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế là tăng trưởng GDP 7%/năm.

TS Vũ Thành Tự Anh, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm phụ thuộc vào hai yếu tố then chốt là đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50% và tốc độ tăng năng suất lao động trung bình trên 6,5%.
Ông cho rằng nhìn từ kinh nghiệm tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam từ đổi mới đến nay, đây là mục tiêu hết sức tham vọng, khả năng đạt trung bình 7% trong thập kỷ tới là hết sức khó khăn, đặc biệt nếu tốc độ cải cách và chất lượng chính sách quốc gia không được cải thiện một cách cơ bản.
Do đó, ông Tự Anh cho rằng để đạt được tốc độ tăng trưởng 7% mỗi năm thì phải nâng mức tăng trưởng TFP lên tới 4%/năm, đòi hỏi nền kinh tế phải có động năng khác hẳn, trong đó khu vực tư nhân, đặc biệt là tư nhân trong nước phải đóng vai trò then chốt.

TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÁ LÂM

TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng về mục tiêu tăng trưởng 10 năm tới, nếu Việt Nam không có một quyết tâm chính trị để huy động mọi nguồn lực nội lực để phát triển thì chúng ta không còn cơ hội nữa.

“Dân số già và không có nước nào dân số già mà phát triển được. Tôi nói nôm na là hôm nay hoặc là không bao giờ, đó là quyết tâm chính trị. Từ đó chúng ta mới xử lý những vấn đề tiếp theo, mới cân đối nguồn lực. Còn nếu chúng ta chỉ cân đối theo kiểu liệu cơm gắp mắm thì không bao giờ phát triển được” – ông Lịch nói.
Theo ông Lịch, vào thời điểm năm 2011, khi đề ra ba đột phá chiến lược trong đó có kết cấu hạ tầng thì tại nghị trường Quốc hội, ông đề xuất rằng để tạo đột phá về hạ tầng Việt Nam phải đột phá về giao thông.
Lúc đó, chúng ta đã đặt quyết tâm chính trị là xây dựng ngay một đôi đường sắt Bắc - Nam khổ 1.435, tốc độ 160-200 km/h, với mục tiêu đến 2025 sẽ hoàn thành bằng mọi nguồn lực.
“Làm như vậy mới gọi là đột phá. Chứ cứ làm được chăng hay chớ, bàn tới bàn lui thì không thể gọi là đột phá được và đến bây giờ chúng ta lại bàn chuyện này” – ông Lịch nói.
Ông Lịch cũng đề xuất Việt Nam cần chú trọng đào tạo nghề, bớt đào tạo văn bằng. “Một quan chức nhà nước cần cái bằng tiến sĩ, thạc sĩ để làm gì. Đâu phải làm việc nghiên cứu mà cần bằng này bằng nọ, chỉ cần biết điều hành công việc, mẫn cán công vụ…” – ông Lịch nói.
Cải cách nhanh thể chế để phát triển kinh tế
Cải cách nhanh thể chế để phát triển kinh tế
(PL)- Ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp cải cách thể chế, thủ tục nhằm giải quyết nhanh hơn, rốt ráo các vấn đề kinh tế - xã hội đã và đang nóng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm