Cảnh sát hình sự bắn thủng bụng một thanh niên

Tô Trung sau khi phẫu thuật, đang được theo dõi điều trị tại bệnh viện tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: M.TRÂN

Nạn nhân được xác định là Tô Trung (29 tuổi, ngụ thôn Lạc Sơn, huyện Cà Ná, Thuận Nam).

Theo người dân, Trung đang đi xe máy trên quốc lộ thì bị hai thanh niên đi xe máy rượt đuổi. Khi nghe tiếng súng nổ thì Trung tấp xe váo quán tạp hoá ven đường rồi ngã xuống trên vũng máu. Trung đã được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận để cấp cứu.

Các bác sĩ tại đây cho biết Trung bị một viên đạn xuyên thủng từ bụng sau và gây thủng ruột non, dạ dày. Sau nhiều giờ phẫu thuật, Trung đã qua cơn nguy kịch. Sáng 18-6, dù còn rất mệt nhưng Trung vẫn nói thấy hai thanh niên lạ mặt bảo dừng xe, Trung sợ là bọn cướp nên không dám ngừng.

Trả lời về vụ việc này, Đại tá Huỳnh Cầm, Trưởng Công an huyện Thuận Nam, cho biết công an huyện đang triển khai công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn huyện từ 17-6. Trong ngày huyện nhận thông tin có bốn thanh niên đến xã Cà Ná tiêu thụ xe gian nên truy quét thì các đối tượng quăng xe xuống biển. Khi công an vớt xe lên thì xe không có biển số.

Tối 17-6, hai chiến sĩ hình sự thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện trên đường truy bắt đối tượng thì phát hiện ba thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm và có nhiều khả nghi nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, một xe chạy thoát, còn một xe của Trung. Chiến sĩ hình sự đuổi theo, nổ phát súng chỉ thiên nhưng Trung không dừng xe nên nổ tiếp phát thứ hai vào bánh xe máy nhưng đã trúng vào phần hông của Trung. Sau đó, các chiến sĩ hình sự đã đưa Trung đi cấp cứu.

Sáng 18-6, Công an huyện Thuận Nam đã cử cán bộ đến bệnh viện thăm hỏi, hỗ trợ một phần kinh phí cho Trung. Đại tá Cầm cho biết hiện vụ việc đang được Phòng PC 45 Công an tỉnh thụ lý, điều tra theo thẩm quyền nên công an huyện chưa thể cung cấp tên họ hai chiến sĩ hình sự trong vụ nổ súng được.

                                                                   MINH TRÂN

Các trường hợp được nổ súng

Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (sửa đổi 2014) quy định nguyên tắc và các trường hợp được nổ súng rất chặt chẽ. Cụ thể, Điều 22 Pháp lệnh này quy định như sau:

 Điều 22. Quy định nổ súng

1. Khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, việc nổ súng của Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, việc nổ súng của Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc sau đây:

a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng;

b) Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay;

c) Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

d) Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

3. Các trường hợp nổ súng gồm:

a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;

e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:

Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

4. Người được giao sử dụng súng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc nổ súng đã tuân thủ quy định tại Điều này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm