Cao tốc Bắc Nam: Chủ trương có, quy hoạch đủ, tiền không thiếu

Sáng 9-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu nêu khá chi tiết về vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói đường bộ cao tốc ở Việt Nam còn thiếu nhiều, cần phải đầu tư, thúc đẩy triển khai nhanh nhằm tạo ra lan tỏa, phát triển, kết nối hạ tầng. Ảnh: QH

Theo Bộ trưởng, nhu cầu đầu tư hạ tầng, kinh tế - xã hội là rất lớn, thể hiện bằng Nghị quyết 13 khoá XI. Tuy nhiên, nguồn lực từ ngân sách rất hạn chế, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, ngân sách chưa đáp ứng được nên chủ trương phải xã hội hoá, huy động nguồn lực xã hội là đúng.

“Ta đã thực hiện chủ trương này và huy động lượng lớn tiền thực hiện các dự án BOT, thay đổi diện mạo giao thông rất tốt. Tuy nhiên, mặt trái là cũng để lại nhiều hạn chế. Nghị quyết giám sát của Quốc hội đã nêu ra những mặt trái hạn chế của BOT, như: Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, quy hoạch chưa tốt, lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng BOT, năng lực cơ quan nhà nước…

Tất cả đều có vấn đề, gây nên tiêu cực, thất thoát và bức xúc trong nhân dân. Điều đó buộc chúng ta phải thay đổi nhiều từ giãn tiến độ, thời gian thu phí, giảm mức phí và mở cửa trạm BOT” - Bộ trưởng Dũng phân tích.

Việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam, theo Bộ trưởng, sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn, như: 60% dân số được hưởng lợi, kết nối nhiều hạ tầng sân bay, cảng biển, khu du lịch… rất quan trọng, góp phần bảo đảm quốc phòng giao thông.

“Các nước đều đầu tư cao tốc, nước nào phát triển đều phải làm cao tốc, làm trước, làm nhanh. Đơn cử Trung Quốc ba năm qua chỉ một tỉnh Vân Nam làm hơn 2.000 km đường cao tốc, trong khi Việt Nam giải phóng và đổi mới 35 năm nhưng mới có hơn 400 km, còn hơn 1.300 km chưa làm. Đáng lẽ ta phải làm từ cách đây hàng chục năm rồi” - Bộ trưởng Dũng cho hay.

Theo ông Dũng, nếu có quyết tâm và với nguồn lực đã có thì có thể tuyến cao tốc Bắc – Nam đã xong rồi. Tuy vậy “ta cứ lo cái nọ cái kia” trong khi lẽ ra phải nhìn từ yêu cầu đất nước, phải thay đổi và từ cốt lõi của nền kinh tế nên cần phải làm, làm sớm và không còn lý do gì để chậm trễ nữa.

“Chủ trương có, quy hoạch có, tiền cũng không vấn đề gì. Từ đầu nhiệm kỳ chính tôi bố trí 80.000 tỉ cho các chương trình này nhưng vì đường sắt và các chương trình khác lấy đi 25.000 tỉ, chỉ còn lại 55.000 tỉ dành cho việc này”- Bộ trưởng Dũng thông tin.

Với ba dự án đang được Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng Dũng nói tiến độ đang rất tốt. Nếu tháng 9-2020 khởi công thì chỉ cần ứng vốn cho nhà thầu thôi.

“Tiền không vấn đề gì nên có thể giải ngân 55.000 tỉ đồng, sang năm tiếp tục bố trí vốn và làm được ngay. Về cam kết, Chính phủ bàn nhiều lần nên chỉ cần Quốc hội cho phép tháng 8-2020 khởi công và cuối 2021 xong ba tuyến này rồi”- Bộ trưởng Dũng nói.

Ông cũng bày tỏ mong muốn tập trung nguồn lực, bố trí vốn đủ cho 700 km cao tốc còn lại.

“Miễn là ý chí Quốc hội quyết tâm và giám sát thực hiện để 2025 hoàn thành 700 km cao tốc còn thiếu này”- Bộ trưởng Dũng nói.

Ông Dũng cũng đề nghị thực hiện theo Nghị quyết 52 của Quốc hội, theo đó, nếu không đấu thầu được thì chuyển các dự án còn lại từ PPP sang đầu tư công.

Thu phí để tiếp tục đầu tư

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, do là dự án cao tốc trải dài từ Bắc-Nam nên sơ tuyển lần đầu đã có nhiều ý kiến lo lắng về vấn đề an ninh, sợ doanh nghiệp nước ngoài. Do đó ngay từ đầu chủ trương sơ tuyển là loại doanh nghiệp nước ngoài ra, kể cả doanh nghiệp trong nước nhưng có liên kết với nước ngoài.

Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển do đó việc chuyển đổi là đúng. Đúng ra bảy cái đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nhưng Chính phủ chịu áp lực giải ngân. Trong 55.000 tỉ cho cả ba đoạn mới giải ngân được 16.000 tỉ.

Tiền có mà chi không được cho nên Chính phủ muốn chuyển để chi cho nhanh, kịp chào mừng Đại hội. Tuy nhiên quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cương quyết không cho chuyển cả tám dự án và đồng tình với phương án chuyển ba dự án từ PPP sang đầu tư công.

Ngoài dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì hai dự án còn lại có nhiều PPP nhưng đây là khu vực nối hai đầu đất nước là Hà Nội và TP.HCM, nếu đầu tư vào thì thu hồi vốn rất nhanh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với quan điểm của Chính phủ chuyển hai dự án này sang đầu tư công, có phương án thu phí trả Nhà nước để tiếp tục đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm