Cấp xã phạt thực phẩm bẩn: Tránh lạm quyền

Ngày 16-10, Bộ Y tế tổ chức triển khai Quyết định 38/2015 của Thủ tướng về việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) từ ngày 15-11. Việc thí điểm được thực hiện tại 10 quận/huyện, 20 phường/xã ở Hà Nội và TP.HCM.

Theo đó, ở cấp quận sẽ có các cán bộ thuộc các phòng y tế, kinh tế, NN&PTNT, trung tâm y tế, đội quản lý thị trường. Cấp phường sẽ có cán bộ thuộc biên chế của trạm y tế, công chức phụ trách nông nghiệp, kinh tế ở cấp phường. Những người này sẽ được quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. “Người được giao nhiệm vụ thanh tra ATTP phải am hiểu pháp luật, có ít nhất một năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý ATTP và được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra” - ông Nguyễn Hùng Long, Cục phó Cục ATTP (Bộ Y tế), nói.

Gỡ nút thắt thiếu an toàn thực phẩm

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, do nhân sự hạn chế nên bất cập về vệ sinh ATTP không đủ sức giải quyết triệt để. Việc thanh tra ATTP “xuống” tận xã/phường sẽ giải được nút thắt quan trọng này. “Cấp phường chịu trách nhiệm ATTP trên địa bàn nhưng không có “gậy” để phạt. Sắp tới, họ sẽ được cấp” - ông Long lý giải.

Thứ trưởng Long cũng cho rằng trước đây thanh tra lĩnh vực nào thì chỉ xử phạt lĩnh vực đó nhưng nay một người có quyền làm hết. Ông Long nói: “Ví dụ bên quản lý thị trường, công thương không có ở xã, phường thì những cán bộ y tế, nông nghiệp được sử dụng quyền của bên công thương. Do vậy, lực lượng này phải được ba bộ (Công Thương, Y tế, NN&PTNT) giao quyền”.

 
Bộ Y tế kiểm tra ATTP tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: HUY HÀ

Tuy vậy, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, lo ngại cán bộ thanh tra là kiêm nhiệm sẽ gặp khó khi hoạt động. Ví dụ, Trạm Y tế xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) có bảy người. Mỗi tháng đã mất 10 ngày lo chuyện tiêm phòng. Giờ nếu mỗi tuần có thêm 1-2 buổi thanh tra thì không còn thời gian. “Thêm thanh tra ATTP ở xã/phường thì liệu có thay đổi không?” - ông Hạnh đặt vấn đề.

Tương tự, bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết các xã/phường thiếu thiết bị, công cụ thì sao có thể nhận diện vi phạm để xử phạt.

Không sa đà kiểm tra giấy phép

Theo ông Nguyễn Hùng Long, những người được thực hiện chức năng thanh tra ở cấp phường được xử phạt đến 500.000 đồng. Tuy vậy, cấp xã vẫn có quyền xử phạt đến 5 triệu đồng và cấp quận được phạt đến 20 triệu đồng.

“Một cơ sở thức ăn đường phố hay quán ăn ở xã, phường thì mức phạt 500.000 đồng là không nhỏ. Tuy nhiên, mục đích ở đây không phải là xử phạt mà nhằm răn đe để tạo sự thay đổi” - ông Long nói.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng việc giao quyền này có thể mang lại hiệu quả thiết thực nhưng cần lưu ý đến các trường hợp lạm dụng quyền gây ảnh hưởng xấu đến người dân. “Các địa phương được giữ lại 100% tiền xử phạt thì đây là yếu tố hấp dẫn dễ lạm quyền. Do vậy, tôi đề nghị các Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương đặc biệt lưu ý đến việc này” - vị này nói.

Ông Nguyễn Hùng Long cho biết khi đi thanh tra, kể cả thanh tra độc lập (một người đi thanh tra) cũng phải có quyết định của chủ tịch UBND quận/huyện, xã/phường. “Không phải cứ khoác áo, có thẻ là đi xử phạt. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp, cá nhân không đồng ý với kết quả thanh tra thì sẽ thanh tra lại” - ông Long nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương cần chú trọng vào thanh tra chất lượng ATTP. “Không nên sa đà vào kiểm tra giấy phép, giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận tập huấn mà cần tập trung vào chất lượng ATTP. Ngoài ra, cán bộ thanh tra đừng đi quá giới hạn, gây bức xúc cho người dân. Trước tiên nên kiểm tra, nhắc nhở nếu tái phạm mới xử phạt” - ông Long nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.