Cắt giảm gần một nửa thủ tục hộ tịch

Chậm nhất đến 31-12-2019, thủ tục đăng ký hộ tịch theo Luật này được thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định thủ tục đăng ký hộ tịch.

Cắt giảm 21/46 thủ tục hộ tịch

Theo dự thảo Luật Hộ tịch, thủ tục đăng ký hộ tịch sẽ được cắt giảm từ 46 thủ tục hiện hành xuống còn 25 thủ tục và đơn giản hóa giấy tờ đăng ký hộ tịch. Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch về cơ bản chỉ phải xuất trình thẻ căn cước (có số IP) và nộp đơn yêu cầu đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch (nếu có yêu cầu). Riêng Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn vẫn được cấp bản chính.

Khi đăng ký khai sinh, công chức Tư pháp - hộ tịch cập nhật nội dung đăng ký khai sinh vào CSDLQG về dân cư do Bộ Công an quản lý để lấy số IP ghi vào Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh.

Dự thảo Luật quy định CSDL hộ tịch điện tử  được xây dựng nhằm lưu giữ, quản lý, tra cứu thông tin hộ tịch của cá nhân, được kết nối, tích hợp để cung cấp thông tin hộ tịch đầu vào cho CSDLQG về dân cư, phục vụ giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến và là căn cứ để cấp trích lục hộ tịch theo yêu cầu của cá nhân; thông tin trong CSDL hộ tịch điện tử phải phù hợp với thông tin trong Sổ hộ tịch.

Đề xuất tiếp tục cấp bản chính Giấy khai sinh, kết hôn

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng trình bày một số vấn đề Chính phủ trình xin ý kiến QH về vấn đề duy trì quy định cấp Giấy khai sinh và Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính) cho người dân. Hiện tại, khi đăng ký hộ tịch người dân đều được cấp bản chính giấy tờ hộ tịch đã đăng ký. Theo thống kê hiện có trên 10 loại giấy tờ: Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, Giấy chứng tử, Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, Quyết định công nhận việc giám hộ, Quyết định công nhận chấm dứt việc giám hộ, Quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính

Với tinh thần đơn giản hóa giấy tờ công dân, dự thảo Luật Hộ tịch đã quy định theo hướng: Người dân khi đăng ký hộ tịch thì được quyền yêu cầu cấp trích lục hộ tịch (nếu có nhu cầu) thay vì được cấp bản chính giấy tờ như hiện nay. Quy định này ngoài việc loại bỏ áp lực cho người dân trong việc lưu giữ, bảo quản bản chính giấy tờ hộ tịch còn cắt giảm được kinh phí in ấn, phát hành bản chính giấy tờ hàng năm.

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác đăng ký và quản lý hộ tịch từ nhiều năm nay cho thấy, đối với một số sự kiện hộ tịch quan trọng (khai sinh và kết hôn) thì việc lưu giữ và sử dụng bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn là nhu cầu thực tế của người dân. Đặc biệt, với ý nghĩa là loại giấy tờ đầu tiên được cấp cho một người khi mới sinh ra, Giấy khai sinh có vai trò quan trọng xác định chính xác các thông tin cơ bản của cá nhân (họ và tên; giới tính; ngày, tháng, năm, nơi sinh; dân tộc; quốc tịch; họ và tên cha, mẹ...) và làm cơ sở cho việc cấp các giấy tờ khác về sau:CMND, hộ khẩu, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ…Nhất là đối với trẻ em dưới 14 tuổi, Giấy khai sinh với đầy đủ các thông tin về nhân thân như trên còn có ý nghĩa như một giấy tờ tùy thân, có số IP giúp trẻ em thực hiện các quyền của mình trong đời sống: đi lại, khám chữa bệnh, nhập học... Như vậy, việc tiếp tục cấp bản chính Giấy khai sinh và Giấy đăng ký kết hôn vừa bảo đảm tiện dụng, tránh xáo trộn, vừa bảo đảm khả thi theo lộ trình đơn giản hóa giấy tờ công dân theo Đề án 896.

Tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã trình Quốc hội Báo cáo thẩm tra dự án Luật hộ tịch, nhất trí tán thành nhiều nội dung trong dự thảo có tính đột phá, đổi mới công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại (áp dụng số IP và CSDL hộ tịch điện tử...) tạo thuận lợi cho người dân, từng bước giảm bớt các loại giấy tờ không cần thiết.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ là cần duy trì việc cấp Giấy khai sinh (bản chính) để làm cơ sở cho các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với công dân và để công dân thực hiện các quyền cơ bản như học tập, khám chữa bệnh, cư trú, đi lại.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng sắp tới Thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho cá nhân khi làm thủ tục khai sinh (theo quy định của Luật căn cước). Do đó, đề nghị cân nhắc lại việc cấp Giấy khai sinh để tránh làm phát sinh thêm giấy tờ đối với người dân. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có giải trình rõ để quy định thống nhất vấn đề này trong Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch.

Ngoài ra, để việc đơn giản hóa các giấy tờ và thủ tục hành chính cho công dân đạt kết quả (giảm 21/46 thủ tục hành chính và bỏ hầu hết các giấy tờ về hộ tịch) thì còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hoàn thành của CSDLQG về dân cư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ... nhằm thực hiện đúng hoặc sớm hơn lộ trình Đề án 896, bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương thì mới có thể loại bỏ được giấy tờ, thủ tục không cần thiết trong công tác quản lý.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm