Cắt mạnh các rào cản gây khó cho dân, doanh nghiệp

Sáng 4-1, Văn phòng Chính phủ họp báo thông tin Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”.


Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo. Ảnh: TN

Sẽ tiếp tục cải cách thể chế

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây là chủ đề rất quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng, để vượt qua khó khăn, thực hiện mục tiêu kép thì đoàn kết là cực kỳ quan trọng.

Ông đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội vừa qua là công sức chung của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta chưa hài lòng với những kết quả đã đạt được mà phải cố gắng hơn rất nhiều, đặc biệt là năm nay, khi chưa lường trước được các khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, có lẽ các doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Ông nhắc lại phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta không được chủ quan, không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách thể chế, rà soát, cắt bỏ những rào cản gây khó khăn, mất thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cạnh đó, tập trung quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm, vì cứ 1% vốn đầu tư công giải ngân giúp tăng trưởng 0,06% GDP…

“Phương châm của Chính phủ vẫn nhấn mạnh làm sao phát huy sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy niềm tin, khát vọng chính đáng vươn lên xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Về cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, ông nêu rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng ngay từ đầu nhiệm kỳ là “Cải cách, cải cách và cải cách. Thể chế, thể chế và thể chế”.

Theo ông Dũng, công cụ đánh giá thủ tục hành chính không theo dõi bằng sổ sách mà dựa trên nền tảng đánh giá rất thông minh của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Ông cho biết thêm: Trước khi đưa lên dịch vụ công trực tuyến, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, cơ quan phải rà soát, cấu trúc lại toàn bộ quy trình, làm sao cắt giảm, đơn giản hóa nhất, không còn những thủ tục, giấy phép con trong thủ tục nữa. “Chỉ số cải cách này hiện đồng bộ tự động hết, không có con người tác động vào. Chỉ số này rất thông minh, minh bạch” - ông khẳng định.

 

Việc chuyển giao nhiệm kỳ Chính phủ cũ sang nhiệm kỳ mới sau khi kết thúc Đại hội XIII là công tác rất bình thường. Dù có chuyển giao giữa nhiệm kỳ thì mục tiêu, quyết tâm, thông điệp của Đảng, Nhà nước vẫn được xuyên suốt tất cả các giai đoạn. Trên cơ sở nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đều phải chấp hành và thực hiện nghiêm túc. Chúng ta có sự ổn định chính trị nên luôn có sự kế thừa.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ MAI TIẾN DŨNG

Đang tính toán gói hỗ trợ kinh tế lần hai

Theo hai nghị quyết nói trên, năm 2021 Chính phủ tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Trả lời câu hỏi có hay không “gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết bộ này đang phối hợp với các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình để báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định tình hình COVID-19 rất phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta và còn kéo dài thêm một số năm sau nên bộ sẽ theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình thường xuyên, liên tục... để đề ra được giải pháp hỗ trợ kinh tế phù hợp.

“Tại thời điểm này, chúng tôi chưa thể trả lời chi tiết thời điểm nào có gói hỗ trợ kinh tế thứ hai, hay việc áp dụng ra sao, quy mô, phạm vi thế nào. Đến thời điểm chín muồi, chúng tôi hoàn tất nghiên cứu sẽ thông tin đến báo chí” - thứ trưởng nói.

Về câu hỏi “Chính phủ tính toán lộ trình mở cửa nền kinh tế thế nào?”, ông Phương cho biết ông hiểu ý câu hỏi muốn nhắc tới việc mở cửa giao thương vận tải hành khách. “Với ý này thì chưa thể nói chính xác ngày nào, giờ nào cho phép mở cửa giao thương vận tải hành khách bởi còn phụ thuộc vào tình hình dịch COVID -19” - ông nói.

Theo ông, dịch COVID-19 còn rất phức tạp, thậm chí xuất hiện chủng mới, cũng chưa khẳng định tiêm vaccine là bảo đảm an toàn và có sự khác biệt về phạm vi, quy mô tiêm vaccine ở các nước. “Hiện chưa có đủ thông tin để khẳng định có thể mở cửa giao thương lại vận tải hành khách với thế giới” - ông Phương nói.

Bộ KH&ĐT thông tin là đã có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về việc mở cửa nền kinh tế theo hướng giao thương hành khách phải có những bước đi, tính toán thận trọng, kỹ lưỡng; với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đặc biệt là thời điểm cuối năm, dịp tết Nguyên đán 2021.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm: Hiện chúng ta vẫn cho phép mở các chuyến bay để đưa chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao, các nhà đầu tư vào khảo sát… tới Việt Nam nhưng kiểm soát chặt như test PCR âm tính, cách ly… để phòng, chống dịch. “Chúng ta đảm bảo giữ vững thế trận, không để COVID-19 lây trong cộng đồng để phát triển kinh tế” - ông Dũng nêu rõ.

2021, sức mạnh để vươn lên
2021, sức mạnh để vươn lên
(PL)- Người dân, doanh nghiệp, cán bộ... không chỉ là đối tượng của các chính sách thúc đẩy mà còn là chủ thể của các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm