Cha con tranh đất, án tuyên nửa vời

Theo đơn khởi kiện của vợ chồng ông M., năm 2009, vợ chồng ông đã cho vợ chồng con trai gần 300 m2 đất và một căn nhà cấp bốn.

Kiện con đòi lại nhà, đất

Nhưng lúc làm hợp đồng, do tuổi già nhầm lẫn, ông M. lại nhiều lần mổ não, tinh thần không minh mẫn và ông bà tin tưởng con trai nên đã không xem lại nội dung hợp đồng. Lợi dụng sơ hở trên của ông bà, người con trai đã kê khai thêm hơn 60.000 m2 đất trồng cao su. Sau đó vợ chồng người con đã chuyển quyền sở hữu toàn bộ tài sản trên.

Cuối năm 2009, ông bà phát hiện ra sự gian dối nên đã đòi con phải trả lại mảnh vườn cao su. Tuy nhiên, người con trai đã không đồng ý.

Theo người con trai, cha mẹ đã cho toàn bộ tài sản trên. Từ đó, ông đã được ủy ban huyện cấp giấy chứng nhận. Việc tặng cho là hợp pháp nên ông không việc gì phải trả lại tài sản cho cha mẹ.

Cha con tranh đất, án tuyên nửa vời ảnh 1

Thỏa thuận không xong, ông bà M. đã làm đơn khởi kiện con trai ra TAND huyện Phú Giáo (Bình Dương) đòi lại toàn bộ đất đai, nhà cửa.

Kháng nghị vì chưa giám định tâm thần

Xử sơ thẩm, TAND huyện Phú Giáo nhận định vợ chồng ông M. đã tự nguyện cho vợ chồng con trai ngôi nhà và gần 300 m2 đất nên đã đến ủy ban để làm hợp đồng. Địa phương đã xác nhận và thửa đất đã chuyển quyền sử dụng cho người con trai. Do vậy, tòa công nhận phần nhà đất này thuộc quyền sở hữu của người con trai.

Phần vườn cao su, ông bà M. không tự nguyện cho con trai. Người con đã lợi dụng sự tin tưởng, sơ hở của cha mẹ kê khai thêm vào hợp đồng tặng cho. Phần này là vô hiệu, tòa tuyên buộc người con phải trả lại cho cha mẹ.

Tuy nhiên, mới đây VKSND huyện Phú Giáo đã kháng nghị bản án trên. Theo kháng nghị, mặc dù ông bà M. khai rằng trong lúc lập hợp đồng tặng cho ông bà không minh mẫn… nhưng trong hồ sơ vụ án không có chứng cứ nào chứng minh vợ chồng ông M. không minh mẫn. Mặt khác, hợp đồng lại được cán bộ phụ trách chứng thực: “Các bên giao kết đã đọc hợp đồng, đã đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong hợp đồng, đã ký kết, điểm chỉ trước mặt tôi…”. Mức độ chính xác của việc chứng thực này thế nào cũng phải được xem xét cụ thể. Tòa cấp sơ thẩm đã không thu thập chứng cứ đầy đủ mà đã tuyên hợp đồng tặng cho vô hiệu một phần là thiếu sót. Điều này dẫn đến việc tuyên án phí, chi phí đo đạc, định giá không phù hợp.

Mặt khác, do ông M. bị mổ não nhiều lần, ông này khai nại không được minh mẫn, do đó cần trưng cầu giám định tâm thần đối với đương sự để xem ông này có minh mẫn hay không nhằm làm cơ sở giải quyết vụ án.

Cuối cùng, kháng nghị đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Không có người làm chứng

Kháng nghị của viện cũng khẳng định quá trình vụ án, tòa không triệu tập người làm chứng tham gia tố tụng nhưng trong phần quyết định, tòa lại áp dụng Điều 204 (BLTTDS) về người làm chứng để tuyên án. Việc áp dụng này là không có căn cứ.

Tuy nhiên, trong vụ án lại cần phải lấy lời khai của người chứng thực với tư cách là người làm chứng để xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng tặng cho, ông bà M. có được thông qua nội dung hợp đồng hay không. Do vậy cần phải đưa người làm chứng này vào vụ án, không đưa vào là thiếu sót.

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.