'Chấm dứt hiện tượng khoán trắng quản lý nhà, đất công'

Quá nhiều đơn vị cùng quản lý nhà, đất công

Theo báo cáo của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, trên địa bàn TP có hơn 12.800 địa chỉ nhà, đất công gồm nhà, đất do UBND TP và các bộ, ngành trung ương quản lý.

Trong đó, riêng TP.HCM có khoảng 10.800 địa chỉ nhà, đất. Số lượng nhà, đất công của TP hiện nay do nhiều đơn vị cùng quản lý, thu hộ gồm: Sở Xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT, Công ty Dịch vụ công ích, Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà, UBND các quận/huyện, các công ty, tổng công ty 100% vốn nhà nước.   

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng báo cáo tại chương trình giám sát. Ảnh: VIỆT HOA

Cụ thể, Công ty Dịch vụ công ích đang được giao quản lý, ký hợp đồng thuê nhà và thu tiền hộ cho TP với 1.371 mặt bằng nhà, đất. Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP là 371 mặt bằng.

Theo số liệu từ Sở TN&MT thì 17 công ty và tổng công ty nhà nước như Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV và Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Bò sữa, Công ty Cây trồng… đang giữ hơn 1.086 khu đất công.

Theo khảo sát 10 công ty và tổng công ty nhà nước, Sở TN&MT phát hiện có 112 trường hợp sử dụng không đúng như báo cáo mà cho thuê lại hoặc bỏ trống nhưng vẫn kê khai là đất đang sử dụng vào mục đích hoạt động của đơn vị.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, trong năm 2016-2017, Thanh tra TP và Thanh tra Sở TN&MT đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các công ty, tổng công ty nhà nước. Kết quả phát hiện 99 mặt bằng sai phạm; đã xử phạt, kiến nghị xử lý thu hồi tiền, tài sản về ngân sách nhà nước gần 11,5 tỉ đồng.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP, cho rằng cách quản lý rải ra nhiều đầu mối như hiện nay là rất bất cập. “Đã có những sai phạm trong quá trình quản lý nhà, đất công cũng đã được làm rõ. Do đó, TP cần phải có giải pháp quyết liệt hơn chứ không thể nói đây là vấn đề tồn tại của lịch sử nữa” - ông Hải đề nghị.

Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải cho rằng hiện nay quá nhiều đầu mối quản lý đất công. Ảnh: VIỆT HOA

Cũng vì có nhiều đầu mối như hiện nay nên mỗi nơi lại có một cách quản lý sử dụng không thống nhất. Theo ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP, tính riêng giá nhà cho thuê hiện có nơi thì áp dụng theo đơn giá của TP ban hành từ năm 1994, nơi thì áp theo giá thị trường, có nơi lại tiến hành đấu giá. Như vậy là thiếu sự thống nhất và dễ phát sinh tiêu cực.

Quản lý chặt để phát huy hiệu quả, tránh thất thoát

Nhiều đại biểu cho rằng quá trình quản lý, sử dụng nhà, đất công có sự buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát kịp thời của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chưa thấy TP xử lý cán bộ đã để xảy ra tình trạng này. Đồng thời đề nghị TP cần có giải pháp kịp thời để tránh nguồn lực đất công bị sử dụng lãng phí, không hiệu quả, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng thời gian qua quản lý nhà, đất công còn buông lỏng. Ảnh: VIỆT HOA

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận: “Cũng là đất công nhưng hiện nay do quá nhiều đơn vị cùng quản lý. Hiện nay với số lượng hơn 10.800 mặt bằng nhà, đất công là quá lớn. Khả năng kiểm soát của TP không trông cậy vào các đơn vị này cũng rất khó”.

Về những mặt hạn chế trong thời gian qua, ông Tuyến nhìn nhận trách nhiệm trước hết là về việc điều hành của UBND TP. “Nhà, đất công trong thời gian qua đã quản lý không chặt, còn biểu hiện khoán trắng, tin tưởng vào quản lý trực tiếp của các đơn vị. Đồng thời TP cũng xử lý chưa nghiêm để đến giờ này mà còn có những nơi còn để nhà, đất công ngoài danh mục của Quyết định 09, có nơi lại cho thuê, sử dụng sai mục đích” - ông Tuyến nói.

Ngoài ra, phó chủ tịch UBND TP còn nêu một số hạn chế khác như chậm triển khai quy hoạch, chậm mời gọi đầu tư, giao đất cho chủ đầu tư mà chưa đánh giá đúng năng lực… “Nói gì thì nói, đây cũng là trách nhiệm của TP” - ông Tuyến nhận trách nhiệm.

Đối với đất công, ông Tuyến cho rằng quan điểm của TP là hầu hết phải đấu giá, đấu thầu công khai. Những trường hợp chỉ định chỉ là các dự án làm công ích hoặc phục vụ mục đích quốc phòng. Đối với các khu đất lựa chọn để làm BT cũng sẽ được thực hiện một cách chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách.

Trong việc quản lý sử dụng nhà đất công, ông Tuyến tiếp thu ý kiến của các đại biểu đồng thời chỉ đạo quận/huyện phải có trách nhiệm kê khai đầy đủ. “Thời gian qua có tình trạng kê khai không đầy đủ, do thiếu hiểu biết cũng có mà cố tình cũng có. Nhiều trường hợp còn không biết sợ là gì và việc này sẽ được xử lý nghiêm khắc trong thời gian tới” - ông Tuyến cho biết.

Giải pháp sắp tới của TP là nâng cao năng lực điều hành của TP, tăng cường quản lý chặt chẽ nhà, đất công. Đồng thời chỉ đạo Sở TN&MT nắm lại toàn bộ diện tích, ranh, đối tượng sử dụng và sẽ có cơ chế giám sát việc kê khai. Đặc biệt là nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.

 

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP

'Chấm dứt hiện tượng khoán trắng quản lý nhà, đất công' ảnh 4

Quản lý sử dụng nguồn tài nguyên đất đai tốt thì sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn để TP phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng. Nói điều này không có nghĩa là lấy quyền sử dụng đất để đi cho thuê hoặc bán các địa chỉ nhà, đất công để thu tiền vào ngân sách mà quan trọng là quy hoạch, quản lý, sử dụng như thế nào cho hiệu quả để phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển TP. Đồng thời sử dụng đúng mục đích, đúng công năng để tránh lãng phí và phát sinh tiêu cực.

Thời gian qua, việc quản lý nguồn tài nguyên nhà đất công không chặt chẽ, có hiện tượng buông lỏng và thiếu thống nhất trong quản lý. Đây là hạn chế kéo dài, để kéo dài hơn nữa sẽ thất thoát, lãng phí, gây bức xúc cần chấn chỉnh.

Ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP

'Chấm dứt hiện tượng khoán trắng quản lý nhà, đất công' ảnh 5

Báo cáo về việc quản lý sử dụng nguồn lực từ nhà, đất của TP chưa đánh giá được hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực nhà đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Nếu chưa đánh giá được hiệu quả sử dụng đất thì rất khó đưa ra giải pháp hiệu quả. TP cần phải đánh giá kỹ hơn vấn đề này.

Hiện nay, một giải pháp thường thấy là bán đấu giá các địa chỉ nhà, đất công. Dù đây là phương pháp tốt nhất hiện nay nhưng việc này cũng phải hết sức cân nhắc. Thời điểm bán đấu giá là rất quan trọng, sẽ bán trong thời điểm này hay 10 năm nữa. Hoặc bán đấu giá hay hoán đổi để làm quy hoạch khả thi hơn thì TP cần phải hết sức cân nhắc để sử dụng nguồn lực này hiệu quả nhất.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.