Chặt cây mít hàng xóm

Cây mít hơn 20 năm nay nằm trong khu vườn của gia đình ông N. (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) bị hàng xóm chặt. Thấy vậy, ông đem trâu ra kéo cây mít về nhà. Ông hàng xóm không chấp nhận nên kiện đòi...

Đòi thường 500.000 đồng

Theo đơn khởi kiện của ông V., vào năm 1977, cha ông lên núi lập vườn, khai hoang đất làm trang trại. Tại mảnh đất trên, gia đình ông trồng nhiều loại cây như dó, quế, cau, mít..., trong đó có cây mít được trồng gần ruộng nhà ông N. Năm 1986, gia đình ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Từ đó đến nay, giữa ông và ông N. thường xuyên tranh chấp về ranh đất nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết rốt ráo...

Đầu tháng 3-2010, gia đình ông chặt cây để cải tạo khu vườn, trong đó có cây mít. Thế nhưng cây vừa chặt xong, ông N. đã thản nhiên đem trâu kéo cây mít về nhà mình. Bức xúc, ông làm đơn báo chính quyền nhưng xã hòa giải không thành. Do đó, ông làm đơn khởi kiện ông N. ra TAND huyện Tiên Phước buộc trả lại cho ông “500.000 đồng là giá trị của cây mít”.

Chặt cây mít hàng xóm ảnh 1

Bị kiện, ông N. trình bày, cây mít trên mọc trên phần đất nhà ông. Khi ông mua lại đất này thì cây mít đã được năm năm tuổi, mọc cách ranh đất nhà ông V. khoảng 2 m. Bữa nọ ra thăm vườn, ông thấy cây mít bị chặt nên mới đưa trâu ra kéo về. Ông không hiểu tại sao ông V. lại chặt cây rồi lại kiện ông ra tòa...

Bị bác đơn kiện

Xử sơ thẩm hồi cuối năm 2010, TAND huyện Tiên Phước cho rằng có cơ sở cho thấy cây mít trên mọc ở vườn nhà ông N. Do đó, tòa bác yêu cầu khởi kiện của ông V. Sau đó, ông V. đã kháng cáo bản án.

Đầu năm 2011, TAND tỉnh Quảng Nam đưa vụ án ra xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, ông V. không đưa ra được chứng cứ gì để chứng minh nguồn gốc cây mít là của gia đình mình. Trong khi đó, nhiều nhân chứng cho rằng cây mít trên là của ông N. Một nhân chứng bảo năm 1986, bà trồng cây mít này. Sau đó, bà bán lại đất cho ông N. Lúc này cây mít còn nhỏ nên bà cho ông N. luôn, không đòi thêm đồng nào.

HĐXX căn cứ vào lời khai của người làm chứng, biên bản thẩm định của TAND huyện Tiên Phước và các chứng cứ khác xác định cây mít trên là của ông N. Ông V. tự ý chặt cây nên ông N. kéo cây về là phù hợp. Do vậy, tòa bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm...

Tranh chấp không đáng

Giá trị cây mít không lớn, ông V. khởi kiện cũng chỉ đòi 500.000 đồng. Trong khi án phí cấp sơ thẩm, phúc thẩm theo quy định ông V. phải chịu là 400.000 đồng. Xã đã hòa giải, nhiều nhân chứng lớn tuổi, sống lâu năm ở vùng xác định cây mít không thuộc quyền sở hữu ông V. Vậy mà ông V. vẫn cố đeo đuổi vụ án khiến tòa phải qua hai cấp xét xử. Làm như vậy sẽ mất tình nghĩa xóm làng, mất công mất sức cho cả hai bên đương sự. Những vụ kiện như vậy là không đáng...

Một thẩm phán TAND tỉnh Quảng Nam

CAO NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm