Chất vấn bộ trưởng Phạm Vũ Luận: bao giờ giáo dục hết kém?

Sau khi Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kết thúc phần trả lời, các đại biểu đã bắt đầu chất vấn Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung vào những việc: cho phép mở quá nhiều trường đại học, cao đẳng, nhiều loại hình đào tạo nhưng chất lượng đào tạo thấp, không phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội; việc triển khai thực hiện cải cách về giáo dục; đổi mới chương trình sách giáo khoa; công tác quản lý xuất bản sách giáo khoa và sách tham khảo.

Đại biểu "không hài lòng"

Những vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong giáo dục hiện nay như đào tạo đại học, cao đẳng bất hợp lý dẫn đến hàng chục ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp, tình trạng bệnh thành tích trong dạy học phổ thông, việc đổi mới giáo dục, sách giáo khoa... tiếp tục được các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải có trả lời.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời về căn bệnh thành tích trong giáo dục - dù trong văn bản trả lời của Bộ trưởng gửi đến các đại biểu QH trước đó đã có nói nhưng bà Thủy nói "không hài lòng", đề nghị Bộ trưởng trả lời thêm.

Tình trạng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng không đọc thông viết thạo, không chỉ tồn tại ở vùng sâu mà cả ở các vùng khác. Việc này phải chăng do căn bệnh thành tích trong giáo dục, lúc nào cũng muốn kết quả đánh giá học sinh là khá giỏi - bà Thủy đặt vấn đề.

Trách  nhiệm của Bộ trưởng ra sao? Tỉ lệ học sinh khá giỏi quá nhiều hiện nay có phản ánh đúng chất lượng đào tạo hay không?

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) và Nguyễn Thanh Thùy (Bình Định) nêu thực trạng đáng buồn hiện nay là hơn 72.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm hiện nay là do đào tạo bất hợp lý - triển khai tràn lan các trường ĐH nhưng chủ yếu đào tạo khoa học, xã hội mà không đào tạo về khoa học - kỹ thuật. 

Điều này làm méo mó cung cầu lao động. Bộ có biện pháp gì?

Bà Thùy cũng chất vấn đề việc bỏ điểm sàn đại học vừa qua liệu có khiến cho chất lượng đào tạo đại học tiếp tục đi xuống  vì các cơ sở đào tạo không quan tâm chất lượng đầu ra trong khi đầu vào quá thấp. Tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường sẽ còn tăng cao? 

Bộ có đề ra các nhóm giải pháp, nhưng "Đến năm nào thì hạn chế yếu kém của ngành giáo dục sẽ chấm dứt?", đại biểu đặt câu hỏi.

Không bắt buộc thi ngoại ngữ là đột phá

Hai đại biểu khác là đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) và Phạm Thị Hải (Đồng Nai) chất vấn vì sao Bộ cho thi tốt nghiệp THPT trong đó ngoại ngữ chỉ là môn tự chọn, điều này có đi ngược lại với quyết định về tăng cường trình độ ngoại ngữ của học sinh, trái với xu hướng hiện nay và khả năng gây lãng khí cho đề án đã đầu tư?

Về việc không quy định ngoại ngữ (tiếng Anh) là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đó là một trong những nội dung thay đổi trong chủ trương thi cử là khâu đột phá trong cải cách giáo dục.

Theo Bộ trưởng chủ trương tăng cường khả năng ngoại ngữ cho học sinh là cần thiết, là phù hợp nhưng thời gian qua chất lượng dạy học ngoại ngữ trong nhà trường có nhiều tồn tại.

"Cách dạy ngoại ngữ tại trường học của chúng ta hiện nay không giống ai. Giáo viên chủ yếu dạy ngữ pháp dẫn đến tình trạng học sinh tốt nghiệp mà không biết nói Tiếng Anh, người ta nói cũng không biết nghe. Trình độ giáo viên ngoại ngữ các trường chưa đạt chuẩn - học sinh học trung tâm thì giỏi nhưng khi trả lời thì cô lại nói là sai", bộ trưởng nói.

Trong khi chưa đổi mới, chưa thay đổi được phương pháp dạy thì chưa nên quy định ngoại ngữ là môn thi bắt buộc - Bộ trưởng giải thích. Trước tiên, ngành giáo dục đang thực hiện chương trình thay đổi toàn diện chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, sẽ thiết kế chương trình giảng dạy cho phù hợp.

Bộ trưởng cũng trả lời vì sao Bộ chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá. Kết quả đợt thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho thấy đã có nhữngg thay đổi căn bản. Từ chỗ ra đề thi chỉ là kiểm tra kiến thức thuộc lòng thì giờ đề thi là kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức đó của học sinh.

Từ việc kiểm tra kiến thức của một vài bài học đến việc yêu cầu học sinh tổng hợp kiến thức đã học, cả kiến thức xã hội, kiến thức pháp luật, đạo đức công dân... trong đề thi. Việc đổi mới thi cử này, theo Bộ trưởng là đã khiến các học sinh hứng khởi làm bài, làm tốt.

Cũng từ kết quả đổi mới thi cử vừa rồi, cho phép chúng ta thay đổi việc học theo lối truyền thụ kiến thức, sang huấn luyện kỹ năng, ông Luận trả lời.

Theo T.MAI - C.MA/TTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm