Chính phủ điện tử sẽ phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Ngày 26-7, hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử (CPĐT) năm 2019 do Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ trì đã diễn ra tại Thừa Thiên-Huế. Hội thảo nhằm tìm giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, góp phần làm chuyển biến mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, doanh nghiệp (DN) theo hướng ứng dụng CNTT và thể hiện rõ tinh thần chính phủ phục vụ. Phát biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin: Việt Nam đã triển khai xây dựng CPĐT từ những năm 2000, tuy nhiên kết quả đạt được còn khiêm tốn. Theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc, năm 2018 Việt Nam đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 6/11 khu vực Đông Nam Á.

Để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, Chính phủ đã ban hành nghị quyết, Thủ tướng đã có những chỉ đạo để thực hiện CPĐT, giải quyết bốn mối quan hệ, gồm hai quan hệ với bên ngoài (chính phủ với người dân, chính phủ với DN) và hai quan hệ nội bộ (giữa các cơ quan chính phủ với nhau, giữa chính phủ với cán bộ, công chức).

Sau gần bốn tháng triển khai Nghị quyết 17, về cơ bản đã hoàn thành được các nhiệm vụ quan trọng được giao trong sáu tháng đầu năm 2019.

Hội thảo đã giới thiệu lộ trình phát triển cổng dịch vụ công và khung kiến trúc CPĐT giai đoạn 2020-2025 của Chính phủ; giới thiệu các mô hình kết hợp smart city và CPĐT của các nước phát triển trên thế giới… Hội thảo cũng tiến hành các phiên thảo luận chuyên đề như “Chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước góp phần hoàn thiện chính phủ số: Mô hình, giải pháp và công nghệ”, “Cải cách, tinh giản thủ tục hành chính góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ công trực tuyến”.

Theo đánh giá, đến nay việc xây dựng hạ tầng CPĐT tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng. Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo khung kiến trúc CPĐT phiên bản 2.0 và đưa ra dự thảo quyết định ban hành mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức thống nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, tài chính, tài nguyên môi trường đã triển khai, tạo nền tảng dữ liệu đồng nhất cho hệ thống CPĐT vận hành.

Kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đến các đơn vị (100% các bộ, ngành, tỉnh, TP; 93,4% quận, huyện, thị xã); các hệ thống thông tin phục vụ người dân, DN cũng có nhiều bước tiến.

Văn phòng Chính phủ đang tích cực cùng Bộ TT&TT, các DN giỏi về CNTT quyết tâm đưa cổng dịch vụ công quốc gia vào vận hành thử nghiệm trong tháng 9 để chính thức vận hành vào tháng 11 năm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm