'Chính phủ sẽ xây dựng và kiến tạo những vườn hoa...'

Đến tham dự sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam...

Trước đó, sáng cùng ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt với hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài về nước tham dự chương trình. 

Các doanh nghiệp sẽ chăm sóc "vườn hoa"

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhắc lại, từ thời Lê, hiền tài đã được coi là nguyên khí của quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có tư tưởng trọng dụng nhân tài trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta không ngừng chăm lo cho đội ngũ cán bộ nên đã đưa ra nhiều chính sách để thu hút nhân tài, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Khoa học công nghệ sẽ là chìa khóa để bước vào kỷ nguyên phát triển nhanh và bền vững, quốc gia nào chậm chân sẽ không thể thành công.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sáng kiến này hiện có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho tài năng, tri thức người Việt Nam đang học tập ở nước ngoài hưởng ứng, tham gia. Các bộ, cơ quan của Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các bạn trẻ tài năng để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cả nước.

“Chính phủ sẽ xây dựng và kiến tạo những vườn hoa để các bạn trở thành những con ong chăm chỉ, tìm mật cho chính mình nhưng cũng làm cho cả vườn hoa được kết trái, thành những dự án, những sản phẩm công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới. Các doanh nghiệp chính là những người chăm sóc vườn hoa và đàn ong để quả được ngọt và phát triển đến ngày thu hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. 

Cũng tại sự kiện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết Thủ tướng đã ban hành Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam tầm nhìn 2035. Kịch bản cách mạng công nghiệp 4.0 cho Việt Nam đến năm 2035 cũng được xây dựng.

Hai năm gần đây, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu Việt Nam tăng 14 bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế. Các doanh nghiệp cũng chú trọng hơn đến đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Ở phần chi R&D do doanh nghiệp thực hiện tăng từ vị trí 68 năm 2016 lên vị trí 48 năm 2018.

Tuy nhiên, để đưa đất nước phát triển hơn nữa, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng việc tạo lập được một hệ sinh thái đồng sáng tạo để kết nối nguồn lực trí tuệ của các nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài là rất quan trọng.

Việt Nam nên chú trọng đầu tư cơ sở điện toán đám mây

Trình bày tham luận tại tại lễ công bố, TS Bùi Hải Hưng, nhà nghiên cứu khoa học cao cấp Google Deepmind (Mỹ), cho biết ngành AI (trí tuệ nhân tạo) thế giới tương đối “có duyên” với người Việt đang làm về công nghệ, trong đó có nhiều người nổi tiếng. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có tên tuổi trên bản đồ AI của thế giới.

TS Bùi Hải Hưng trình bày tham luận.

“Việt Nam cần tập trung vào xây dựng trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Việt Nam. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo AI tại Việt Nam nên chú trọng đầu tư cơ sở điện toán đám mây” - TS Bùi Hải Hưng bày tỏ.  

PGS-TS Hồ Anh Văn, Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản, đưa ra công thức thành công của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam là: "Thành công = năng lực x nhiệt huyết x cách nghĩ".

Cũng theo PGS-TS Hồ Anh Văn, nếu các trí thức ở nước ngoài cần sự nhiệt huyết thì Chính phủ cần có các chính sách cụ thể và các trí thức trong nước cần sự đón nhận sẵn sàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm