Chính thức ‘khai tử’ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy

Ngày 20-4, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2016 sửa đổi một số điều của Nghị định 56/2014 và Nghị định 18/2012 về quỹ bảo trì đường bộ. Nghị định 28/2016 có hiệu lực từ ngày 5-6-2016.
Theo đó, nghị định này sửa đổi khoản 1 Điều 1 Nghị định 56/2014 quy định về đối tượng thu phí sử dụng đường bộ như sau: “Phí sử dụng đường bộ được thu hằng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: ô tô, máy kéo; rơmoóc, sơ mi rơmoóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự (sau đây gọi chung là ô tô)”.
Nghị định 28 cũng bãi bỏ các quy định liên quan đến thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy có trong Nghị định 56/2014 và Nghị định 18/2012.

Chính thức ‘khai tử’ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy ảnh 1
Chính phủ đã chính thức bãi bỏ các quy định về thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.

Như vậy, theo Nghị định 28, mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự (gọi chung là xe máy) đã không còn là đối tượng thu phí sử dụng đường bộ như quy định trong Nghị định 56/2014 và Nghị định 18/2012.
Trước đó, trong phiên họp thường kỳ tháng 9-2015, Chính phủ cũng đã đồng ý tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy từ ngày 1-1-2016.
Quyết định tạm dừng nêu trên được đưa ra sau khi bộ trưởng Bộ GTVT (lúc ấy là ông Đinh La Thăng) báo cáo về kết quả ba năm thu phí xe máy. Theo đó, mức thu được qua các năm giảm dần, cơ chế thu không hiệu quả do cấp phường, xã kiêm nhiệm quá nhiều việc, khó quản lý phương tiện...
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương. Kết quả, các nơi đều cho biết là việc thu phí với xe máy là không khả thi và nên tạm dừng.
Dư luận cũng nhiều lần liên tiếng, chỉ rõ việc triển khai thu phí xe máy gặp nhiều khó khăn. Nguyên do, xe máy là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm lưu hành, người sử dụng xe không bắt buộc là chủ sở hữu nên rất khó kiểm soát và thu phí, đặc biệt trường hợp chủ xe (sinh viên, lao động tự do...) đăng ký ở địa phương này nhưng mang xe đến địa phương khác sử dụng.
Ngoài ra, chế tài xử phạt còn hạn chế nên chủ xe không chấp hành nộp phí dẫn đến số phí thu được thấp, không công bằng về trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc nộp phí, hiệu quả thu phí không cao...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm