100 năm ngày sinh cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng: Xuất khẩu gạo để cứu đói!

Hôm nay (11-6) tại Vĩnh Long sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng. Trong muôn vàn câu chuyện về cuộc đời sự nghiệp của ông có lẽ ít ai biết chuyện trước thềm đổi mới, ông có một quyết sách đột phá táo bạo: Xuất khẩu gạo để cứu đói!

Thiếu gạo nhưng vẫn xuất khẩu

Năm 1987, miền Trung mất mùa, sản xuất lương thực sụt giảm chỉ đạt 17,5 triệu tấn quy ra thóc. Trung ương giao cho Bộ Thương mại đàm phán nhập gạo từ Indonesia. Trong một bài báo, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn còn nhắc: “Năm 1987, khi tôi làm bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, nước ta vẫn đói, chúng ta thiếu tới 1 triệu tấn gạo nhưng chỉ nhập được có 440.000 tấn. Lúc đó tôi đã kiến nghị với đồng chí Phạm Hùng - Chủ tịch HĐBT phải nhập thêm nhưng đồng chí nói ngoại tệ và vàng trong nước đã hết rồi nên có đề nghị nhập cũng chịu”.

Đùng một cái có một doanh nghiệp phía Nam xin với HĐBT xuất khẩu gạo. Các đồng chí lãnh đạo không biết sự việc ra sao. “Thật là điên rồ!”.

Thế nhưng ông Phạm Hùng với cương vị chủ tịch HĐBT đã từng hiểu thực tế ở Nam Bộ nên lý giải hiện tượng này theo cách khác. Thực tế lúa gạo trong dân còn nhưng do cơ chế thu mua không hợp lý nên rất khó điều tiết lương thực. Có xuất khẩu, có thị trường, gạo bán được giá, người nông dân có lãi. Lúc ấy việc lưu thông lúa gạo sẽ tốt, không có chuyện thiếu lương thực. Năm 1987, Việt Nam chính thức xuất khẩu gạo dù chỉ tượng trưng. Chỉ hai năm, Việt Nam xuất khẩu 1,37 triệu tấn gạo vào năm 1989 và hiện nay đứng nhất nhì thế giới với 7 triệu tấn/năm.

100 năm ngày sinh cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng: Xuất khẩu gạo để cứu đói! ảnh 1

Đồng chí Phạm Hùng, Thượng tướng Trần Văn Trà và Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ trong cuộc mít-tinh mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng tại TP.HCM. Ảnh do Ban Quản lý di tích tỉnh Vĩnh Long cung cấp

Đổi chính sách từ đi thực tế

Ông Trịnh Văn Lâu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, kể năm 1985, trước thềm Đại hội VI, Phó Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng về thăm Cửu Long: “Lúc ấy tôi đang giữ cương vị chủ tịch tỉnh Cửu Long. Ông Phạm Hùng đi thực tế theo ý mình chớ không theo sự hướng dẫn của tỉnh. Trở về Tỉnh ủy, triệu tập cuộc họp Thường vụ, ông nói:

“Tôi đi thực tế thấy nông dân đào ruộng lên liếp lập vườn rất nhiều. Nếu diện tích ruộng chuyển thành vườn tăng nhanh như thế này thì làm sao nhân dân đủ gạo ăn? Việc đào mương lên vườn không thể làm trong ngày một ngày hai, chính quyền địa phương không thể không biết!”

Tôi không bất ngờ nhưng có một thực tế rất khó nói: Tỉnh ủy không chủ trương nhưng không thể cản được nông dân tự phát biến ruộng lúa thành vườn cây ăn trái. Lúc này tôi buộc phải nói rõ tình hình:

- Nông dân Nam Bộ giờ có cách làm mới. Họ giâm cây giống ở một nơi khác. Cả xóm “đồng hè” đem cây về trồng trên diện tích hàng chục hecta. Chính quyền đến thì thấy vườn cây 3-5 tuổi đang cho trái. Chẳng lẽ bắt nông dân đốn bỏ!

- Nhưng vì sao nông dân làm vậy?

- Xin thưa, họ “chạy” chính sách!

- Là sao?

- Nghĩa là nông dân trồng lúa bị thu mua hết. Trước hết là lúa nghĩa vụ. Nếu còn dư thì Nhà nước huy động lương thực, giá nào cũng rẻ bèo. Cán bộ xã thì tranh thủ đo bồ lúa của dân để huy động lương thực nên dân phải giấu lúa dưới đìa. Thu mua như vậy là thủ tiêu sản xuất, nông dân không còn vốn để tái sản xuất. Trong khi trồng cây ăn trái thì được bán trên thị trường tự do, tiền bỏ vào túi, không sợ Nhà nước thu mua giá rẻ.

Ông lắng nghe từng chi tiết, rồi mặt ông đăm chiêu:

- Vấn đề bức xúc hiện nay là lo cái ăn cho nhân dân cả nước. Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng ven biển miền Trung thường xuyên bị thiên tai mất mùa. Chỉ có đồng bằng sông Cửu Long là nơi sản xuất lúa tốt nhất. Chúng ta không sản xuất lúa thì ai sản xuất? Thời chiến tranh, miền Bắc thắt lưng buộc bụng “gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho miền Nam. Bây giờ ta không vì cả nước thì vì ai? Nhưng chúng ta phải tìm cách bù thiệt thòi cho nông dân”.

Ông Nguyễn Ký Ức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long (1986-1990), còn nhớ trong lần về chỉ đạo Đại hội lần thứ IV Đảng bộ Cửu Long năm 1986, ông Phạm Hùng cũng từng nghe đại biểu dân tộc Khmer phát biểu: “Nông dân Khmer nói rằng đã vô tập đoàn sản xuất rồi thì nhất định không ra… đồng. Đó chính là nguyên nhân làm sản lượng lương thực sụt giảm chưa từng có ở tỉnh”.

Tại Đại hội tỉnh Đảng bộ, ông chỉ đạo phải đưa vô chương trình hành động của Tỉnh ủy kế hoạch tăng cường sản xuất hàng tiêu dùng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, tìm cách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng những mô hình điểm trong sản xuất.

Sau đó thì HĐBT có chủ trương mua lương thực hai giá: Giá nghĩa vụ như cũ nhưng giá huy động cao hơn. Đây là cơ sở hình thành giá thị trường sau này. Hiện nay, Chính phủ vẫn còn giữ chủ trương bù thiệt thòi cho nông dân làm sao cho nông dân thực lãi 30%”.

Cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912 ở làng Long Hồ, quận Châu Thành, nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long.

Khi còn nhỏ, ông học tiểu học ở Vĩnh Long. Năm 1927, lúc 15 tuổi, ông lên học tại Collège de Mỹ Tho. Ngày 1-5-1931, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, ông Phạm Hùng tổ chức cuộc mít-tinh tại ven đồng Tam Hiệp - Mỹ Tho, đã lãnh đạo cuộc biểu tình, nổi dậy của hơn 3.000 người và xử án tên hương quản Trâu. Lúc ấy ông 19 tuổi, giữ cương vị bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, bí thư tỉnh ủy trẻ tuổi nhất trong lịch sử Đảng CSVN.

Thực dân Pháp bắt ông và kêu hai án tử hình vào cuối năm 1932. Ông đùa trước tòa đại hình: “Luật pháp của các ông kỹ thật! Tôi có một cái đầu mà mấy ông đòi chặt hai cái đầu, không biết chặt thêm cái đầu nào nữa!”. Nhưng sau đó thực dân Pháp đày ông ra Côn Đảo.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Phạm Hùng trở về đất liền giữ chức vụ bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Sau Đại hội II, năm 1951, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trở về Nam hoạt động trong Trung ương Cục miền Nam. Đại thắng mùa xuân 1975, ông với vai trò bí thư Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành sứ mệnh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với vai trò là chủ tịch HĐBT trong vòng chưa được một năm, từ tháng 6-1987 đến lúc mất 10-3-1988, ông đã xử lý những vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế là đổi mới khâu phân phối lưu thông. Tình hình lúc ấy ngân sách Nhà nước mất cân đối, lạm phát rất cao, lương cán bộ, công nhân viên không đủ sống, nạn đói đang đe dọa một số nơi… cần có giải pháp cấp bách.

Quyết định số 217/HĐBT ngày 14-11-1987 ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh XHCN đối với xí nghiệp quốc doanh của ông Phạm Hùng ký là một bước đột phá. Quyết sách này lập tức tạo tiền đề cho các doanh nghiệp kinh doanh lương thực chuyển hướng sang kinh doanh theo thị trường. Điều này góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông dân, tạo tiền đề cho cân đối lương thực trong cả nước và xuất khẩu gạo cho những năm sau.

Ngày 9-3-1988, trong lúc chỉ đạo thu mua lương thực ở phía Nam, sau khi làm việc xong với lãnh đạo các tỉnh, dự kiến ngày 10-3-1988 họp các giám đốc ngân hàng để chỉ đạo việc thành lập các ngân hàng thương mại thì ông đột ngột ra đi.

NGUYỄN NGỌC - NGUYÊN VẸN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm