26.000 tỉ đồng đào tạo nông dân

Báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, một trong những thành viên tham gia hoàn thiện đề án, xung quanh những vấn đề trên.

26.000 tỉ đồng đào tạo nông dân ảnh 1

Lao động nông thôn sẽ được dạy nghề để nâng cao kiến thức phát triển sản xuất. Ảnh: HOÀNG HẢI

Dạy nghề cho 12 triệu nông dân

. Thưa ông, có phải nông dân nào cũng đều có thể được đào tạo nghề?

+ Theo đề án, khoảng 12 triệu lao động nông thôn sẽ được đào tạo. Trung bình mỗi năm khoảng 1 triệu người được đào tạo, trong đó 200.000 người chuyên sâu về nông nghiệp, 700.000 người phi nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. 100.000 đối tượng còn lại là bồi dưỡng cho các cán bộ, công chức xã. Đề án cũng ưu tiên cho những nông dân thuộc diện chính sách, người có công, hộ nghèo, người bị thu hồi đất canh tác...

Đào tạo cho nông dân tương ứng với việc đào tạo hệ sơ cấp (từ hai tháng đến một năm và phụ thuộc vào mỗi nghề khác nhau). Những học viên này chủ yếu đã làm nông nghiệp rồi, bây giờ đi học nhằm nâng cao và chuyên sâu vào một nghề trong nông nghiệp. Trong một khóa học, mỗi học viên sẽ được học 1/3 là lý thuyết, 2/3 là thực hành ngay trên ruộng đồng của họ hay trực tiếp trên những con giống họ đang nuôi.

. Có ý kiến cho rằng nếu như vậy có nghĩa chúng ta đang đào tạo nghề theo điều kiện sẵn có trong khi nhu cầu của xã hội có thể đòi hỏi nghề khác, phức tạp hơn nên hiệu quả sẽ không như mong muốn?

+ Những nhà làm chính sách cũng đã tính đến chuyện đó rồi. Trong trường hợp nông dân hết ruộng đất, họ có thể đổi sang học một nghề khác như tiểu thủ công nghiệp, phi nông nghiệp, hay đào tạo để đi lao động xuất khẩu... Địa phương sẽ định hướng cho nông dân những ngành nghề sẽ là mũi nhọn để phát triển kinh tế địa phương. Mỗi học viên sẽ tham khảo và tùy theo điều kiện của mình để đăng ký môn học phù hợp.

80% sẽ có việc làm

. Đã có nhiều đề án về đào tạo nghề cho nông dân nhưng hiệu quả rất hạn chế. Liệu đề án 26.000 tỉ đồng này có theo vết xe đổ này không?

+ Theo kết quả mới đây của Bộ LĐ-TB&XH, chỉ có khoảng 18,7% nông dân đi học xong có việc làm. Ngoài ra, xuất hiện một nghịch lý: có địa phương, đơn vị đào tạo mời mãi mà không có học viên trong khi nhiều địa phương có nhiều nhu cầu thì không ai đứng ra để dạy. Nhiều nông dân còn nói rằng học xong cũng chẳng biết làm gì.

Mục tiêu của đề án này phấn đấu 80% nông dân sau khi kết thúc khóa học sẽ có việc làm. Sau khi học nghề xong, nông dân dưới sự bảo trợ của Hội Nông dân Việt Nam có thể vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để có thể ổn định việc làm ngay trên đồng ruộng của gia đình. Nếu ai không có đất, có thể xin đi làm nghề khác phù hợp với điều kiện của bản thân...

Nỗi lo thiếu giảng viên

. Tình trạng thiếu cán bộ giảng viên luôn là vấn đề bức xúc nhất trong ngành đào tạo hiện nay và nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Đề án có tính đến thực tế này?

+ Đây cũng là điều mà nhóm nghiên cứu đã tính đến. Tuy nhiên, đề án vẫn trong giai đoạn thực hiện thí điểm, năm tới chưa thể đào tạo ngay 1 triệu nông dân như ước tính của đề án được nên giáo viên chưa thiếu. Ngay năm đầu tiên này, chúng tôi sẽ đào tạo thêm giáo viên như bổ sung nghiệp vụ sư phạm cho các kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư chăn nuôi, cây trồng. Đề án cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, giảng viên, với cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

. Người dân hiện nay đang quá quen với hình ảnh một kỹ sư nhà nông Nguyễn Lân Hùng sáng nào cũng dạy họ cách làm giàu từ nông nghiệp. Ông đánh giá sao về hình thức chuyển tải thông tin trên?

+ Truyền tải bằng hình ảnh sẽ khiến nông dân rất dễ tiếp thu. Tuy nhiên, do thời lượng phát sóng quá ít nên thông tin thu được không đủ để thực hành. Nông dân muốn làm theo phải tìm thêm tài liệu, thậm chí mua băng hình để về mở xem lại. Còn khi được đào tạo trong lớp học hẳn hoi, rồi thực hành ngay tại đồng ruộng nhà mình thì nông dân dễ dàng tiếp thu hơn nhiều chứ.

Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng

. Kế hoạch trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

+ Dự kiến đến năm 2010, chúng tôi sẽ thực hiện đào tạo nghề cho khoảng 800.000 nông dân. Trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ chọn ra 18.000 nông dân đặc biệt tại những vùng chuyên canh trồng cây thuốc lá, cao su để thực hiện thí điểm việc đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của một số công ty lớn. Những học viên này ngay khi kết thúc khóa học sẽ được nhà tuyển dụng lựa chọn trực tiếp và ký hợp đồng lao động ngay nếu đạt yêu cầu. Cũng trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ mở lớp đào tạo riêng cho các cán bộ xã để vừa có kinh nghiệm quản lý vừa có thêm nghề làm gương cho người dân.

. Giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn tập trung đào tạo 5,2 triệu nông dân.

+ Theo tôi, muốn đề án thành công thì phải gắn đào tạo nghề với quy hoạch vùng sản xuất, đào tạo chuyên sâu, đồng thời nên xã hội hóa việc đào tạo nghề cho nông dân. Có nghĩa là sản xuất gì, đào tạo nấy. Nông dân cũng có thể tự lựa chọn chỗ đào tạo để mình được học tốt nhất như tại Sở LĐ-TB&XH hay tại các trung tâm dạy nghề của tư nhân...

. Xin cảm ơn ông.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học:

Bộ đang nghiên cứu về việc cấp phát thẻ học nghề cho nông dân. Sau khi tự chọn cho mình một nghề học thích hợp, mỗi nông dân sẽ được cấp phát một thẻ đi học. Với thẻ này, nông dân có thể học ở bất cứ trường đào tạo nghề nào miễn là thấy phù hợp với mình. Đáng lưu ý, giảng viên có thể là chính những nông dân thành đạt.

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được chia làm ba giai đoạn: 2009-2010; 2011-2015 và 2016- 2020. Mỗi học viên sẽ được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng và tối thiểu 2 triệu đồng/khóa học. Người đi học sẽ được vay phí học nghề theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Sau khi kết thúc khóa học sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm