Ba cấp độ dân chủ Hồ Chí Minh

Tìm hiểu quá trình thực thi nền dân chủ Việt Nam trong thời kỳ Hồ Chí Minh mới thấy Bác đã xử lý vấn đề dân chủ trong hoạt động xã hội Việt Nam một cách có cơ sở khoa học thế nào”- ông Nguyễn Trần Bạt nói.

Tập hợp lực lượng từ các giá trị dân chủ

. ngược dòng lịch sử, những năm đầu cách mạng trước 1945, khái niệm về dân chủ ở Việt Nam được hiểu thế nào, thưa ông?

+ Thoát thai từ chế độ phong kiến, Việt Nam không có khái niệm dân chủ. Khái niệm dân chủ khi ấy đến với giới trí thức thông qua những tác phẩm của Montesquieu, Rouseau… Khái niệm dân chủ ấy, mà giờ ta hay gọi là dân chủ phương Tây, lóe lên vào giai đoạn 1936-1939, thời kỳ Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế.

So với sự xâm nhập của chủ nghĩa Marx sau này thì các giá trị dân chủ phương Tây ấy tác động không nhiều vào giới trí thức. Tuy nhiên, những nhà trí thức cộng sản như Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh, hay Phan Đăng Lưu, Trần Phú, Hà Huy Tập và đặc biệt là Hồ Chí Minh đã sử dụng các giá trị dân chủ phương Tây một cách rất hữu hiệu để tập hợp, thu hút lực lượng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

. Ý ông là Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối đã khai thác các giá trị dân chủ phương Tây ấy, sử dụng nó để tập hợp lực lượng, góp phần hình thành nên nước dân chủ đầu tiên ở châu Á vào năm 1945?

+ Bên cạnh Hồ Chí Minh, vào thời điểm những năm 1945-1946 có rất nhiều trí thức được đào tạo tại phương Tây một cách rất bài bản như GS Hồ Đắc Di, GS Hoàng Đình Cầu, GS Tôn Thất Tùng, GS Nguyễn Văn Huyên, GS Nguyễn Mạnh Tường... Những người ấy nếu không nhìn thấy ở Hồ Chí Minh những phẩm chất dân chủ mà họ đã quen biết từ phương Tây thì họ không theo Cụ.

Hồ Chí Minh là nhà chính trị lớn đầu tiên ở Việt Nam ý thức một cách sâu sắc vai trò chính trị của khái niệm dân chủ. Nhờ đó mà có thể tập hợp những thành phần ưu tú nhất thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc. Và tinh thần dân chủ của phương Tây là cứ liệu, là lực lượng cơ bản tạo ra sự xuất thần của Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 và Hiến pháp 1946.

Ba cấp độ dân chủ Hồ Chí Minh ảnh 1

Đường phố TP.HCM trang hoàng cờ chào mừng Quốc khánh 2-9. Ảnh: HTD

"Nền dân chủ Hồ Chí Minh"

. Có thể đặt tên cho nền dân chủ chính trị Việt Nam giai đoạn liền trước và sau 1945 là dân chủ Hồ Chí Minh, thưa ông?

+ Hoàn toàn có thể. Gọi thế cũng phải lưu ý thực tế rằng khái niệm về dân chủ, chúng ta chịu ảnh hưởng của rất nhiều luồng tư tưởng, cả từ phương Tây, phương Đông, đến Marx - Lenin, rồi Stalin, Trotsky, Mao Trạch Đông... Và nhìn trở lại thì dân chủ Hồ Chí Minh là tập hợp rộng lớn nhất, trong đó có các giá trị của dân chủ phương Tây, được ứng dụng hiệu quả, nhuần nhuyễn nhất cho nền chính trị Việt Nam.

Từ các dữ liệu lịch sử, tôi thấy nền dân chủ Hồ Chí Minh có ba cấp độ, mà cấp độ đầu tiên, tôi gọi là nền dân chủ thái độ, thể hiện ở đạo đức, tác phong quần chúng. Tác phong Hồ Chí Minh nổi tiếng trong phòng trào cộng sản quốc tế, đến mức một thời trong văn kiện Đảng ta có cụm từ “Tác phong Hồ Chí Minh”.

Cơ sở của nền dân chủ thái độ là đạo đức. Bởi vì nếu không có tình cảm, tình yêu đối với nhân dân, không có sự trân trọng con người, không có nền tảng đạo đức thì không thể có nền dân chủ thái độ được. Cho nên tác phong quần chúng trở thành một động lực, một sức mạnh chính trị của Hồ Chí Minh trong suốt cả cuộc đời của Người. Các giá trị đạo đức ấy toát ra bằng thái độ của Người.

Cũng phải nói thêm, với trình độ nhân dân, dân trí lúc ấy, con đường cảm nhận dễ dàng nhất về các giá trị của dân chủ là thông qua dân chủ thái độ của Hồ Chí Minh. Nền dân chủ thái độ ấy thấm đẫm tới các đồng chí của Người, là sức mạnh quan trọng để Đảng xây dựng cơ nghiệp. Nhân dân nhận ra giá trị đạo đức của những người cộng sản thông qua thái độ của họ.

. Cấp độ thứ hai của nền dân chủ Hồ Chí Minh là gì?

+ Là dân chủ cấu trúc.

Cách mạng Việt Nam có một nhân vật quan trọng, khá đặc biệt: Tôn Đức Thắng - biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Nam Bộ. Một thời gian dài ông là Phó Chủ tịch nước, song hành với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là một phần của nền dân chủ cấu trúc Hồ Chí Minh. Trong điều kiện chiến tranh, nhân dân miền Nam ít có điều kiện tham gia sinh hoạt chính trị ở cấp độ nhà nước, hình thành các quyết định chính trị của cả nước và hình ảnh bác Tôn nhắc nhở rằng người dân miền Nam luôn có đại diện trong các quyết định ấy.

Nhìn rộng ra, nền dân chủ cấu trúc Hồ Chí Minh không thể thiếu các nhân vật như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Cừ... Nền dân chủ ấy có đủ yếu tố Bắc, Trung, Nam, miền xuôi, miền ngược, đủ nam, đủ nữ, đủ giai tầng, tôn giáo trong xã hội và cả đảng phái nữa. Nền dân chủ cấu trúc ấy tạo nên một kỷ luật chính trị, buộc cấu trúc chính trị của các lực lượng chính trị phải phản ánh được tính đại diện.... Dân chủ cấu trúc ấy, khác với cái mà giờ ta gọi là “cơ cấu”. Vì đã “cơ cấu” thì dễ mất đi tính khách quan của cấu trúc.

. Ở trên ông có nhận định là tinh thần dân chủ của phương Tây là cứ liệu, là lực lượng cơ bản tạo ra sự xuất thần của Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 và Hiến pháp 1946. Vậy các giá trị ấy nằm ở đâu trong nền dân chủ Hồ Chí Minh?

+ Nằm ở cấp độ thứ ba của dân chủ Hồ Chí Minh - dân chủ phổ quát.

Hồ Chí Minh là tập hợp sâu sắc nhất các khái niệm dân chủ ứng dụng cho nền chính trị Việt Nam. Người nắm sứ mệnh phải tạo ra, phải cấu trúc được một nền dân chủ, trong đó có mặt gần như đầy đủ các bộ phận hoặc đại diện của các bộ phận dân chúng trong đời sống chính trị. Nhưng chính Người cũng nhận thấy rõ nhất các khiếm khuyết nếu chỉ thể hiện dân chủ ở hai cấp độ: dân chủ thái độ, dân chủ cấu trúc. Khiếm khuyết ấy chỉ có thể được bù đắp bằng các giá trị của dân chủ phổ quát.

Hồ Chí Minh không biến nền dân chủ của mình trở thành nền dân chủ làng xã, dân chủ đặc thù của riêng Việt Nam, mà muốn phổ quát hóa nền dân chủ của ông trở thành một nền dân chủ theo tiêu chuẩn quốc tế và được chấp nhận bởi cộng đồng quốc tế. Điều đó thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp 1946. Và nó mang giá trị phổ quát trong điều kiện lúc ấy nhiều đảng phái tham gia sinh hoạt chính trị.

Hồ Chí Minh biết rất rõ quy luật của sự suy thoái nên cùng lúc triển khai cả ba nền dân chủ. Nền dân chủ thái độ để duy trì đạo đức cách mạng và để biểu dương đạo đức. Thái độ đối với nhân dân là biểu hiện đạo đức. Nền dân chủ trí khôn là phải biết cấu trúc. Ngay cả khi mình toàn quyền thì vẫn phải cấu trúc để chống lại sự suy thoái. Bản chất của hoạt động cầm quyền là chống suy thoái. Và nền dân chủ phổ quát là lối thoát khách quan của quá trình chống suy thoái.

Nhà nước pháp quyền: Công cụ để minh bạch hóa hoạt động

. Bàn về ba cấp độ của dân chủ Hồ Chí Minh, ông liên tưởng gì tới cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được phát động, đến các kêu gọi dân chủ hóa trước hết trong Đảng và đến yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền hiện nay?

+ Nghị quyết Trung ương 4 đề cập đến vấn đề chống suy thoái về đạo đức, lối sống và cả về vấn đề tổ chức cán bộ. Đây là hồi chuông báo động đòi hỏi sớm chặn đứng sự suy thoái ở một bộ phận những người nắm quyền quản lý ở nước ta trong nội dung ở hai cấp độ đầu của dân chủ Hồ Chí Minh. Còn xây dựng nhà nước pháp quyền mà hiện giờ đang nổi lên vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992, chính là nội dung thuộc cấp độ thứ ba của dân chủ Hồ Chí Minh.

Xây dựng Đảng là công việc thường ngày của Đảng, không thay thế được việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Đảng nào cũng phải tự làm trong sạch mình nhưng khi trong Đảng không tự xử lý được thì phải nhờ Nhà nước, nhờ luật pháp. Xây dựng nhà nước pháp quyền là xây dựng công cụ để minh bạch hóa, làm trong sạch đời sống chính trị. Xây dựng nhà nước pháp quyền càng giúp cho Đảng trong sạch hơn, hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Nói cách khác, bản lĩnh chính trị cao nhất của một đảng chính trị cầm quyền thể hiện qua việc xây dựng nhà nước của mình. Do vậy, nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền cần phải được quan tâm, tập trung đẩy mạnh hơn nữa.

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm