Ba mươi ba năm phát triển pháp quyền

Điều đáng để ý không chỉ ở chỗ số lượng văn bản được ban hành hàng năm tăng hơn gấp mười lần mà quan trọng hơn là tư tưởng pháp quyền đã được đeo đuổi thực hiện một cách quyết liệt.

Pháp luật ngày càng hoàn thiện. Lĩnh vực quan trọng nào cũng có văn bản hoàn chỉnh dưới hình thức đạo luật của Quốc hội; nhất là nội dung của nó chứa đựng những nguyên tắc tiến bộ, công bằng hơn, dân chủ hơn.

Từ ngày có Bộ luật Hình sự (1985) và Bộ luật Tố tụng hình sự (2003), các nguyên tắc tố tụng văn minh (như: không có luật không có tội, suy đoán vô tội, hai cấp xét xử...) đã được triệt để áp dụng... Từ ngày có Bộ luật Dân sự (1995) và Bộ luật Tố tụng dân sự (2004), các nguyên tắc tiến bộ về quyền sở hữu, thừa kế, quan hệ hợp đồng, bồi thường thiệt hại... được tôn trọng thích đáng hơn. Từ ngày có Bộ luật Lao động (1995), quan hệ chủ thợ, người sử dụng lao động và người lao động được quy định chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Có một dạo quyền tư hữu đất đai coi như bị xóa bỏ, ruộng đất nằm bất động trong tay nhà nước, đến nay quyền tư dụng cũng không khác nhiều so với quyền tư hữu... Nhờ đổi mới, con người Việt Nam đã thực sự lớn lên. Không phải lớn ở vóc dáng, sức nặng mà lớn là do con người có thêm nhiều quyền. Có nhiều quyền rất mới như một số quyền nhân thân, quyền sở hữu trí tuệ, quyền được thông tin, được biết, quyền đình công, quyền biểu tình...

Trong lĩnh vực tố tụng, giải quyết tranh chấp kiện cáo với nhau, những ngày đầu ta có hai loại tòa dân sự và hình sự. Đến giờ ta có nhiều loại tòa chuyên trách khác nhau: dân sự, hình sự, lao động, kinh tế, hành chính mà đặc biệt là loại tòa hành chính chuyên xét xử cơ quan nhà nước. Từ quan niệm “nhà nước và nhân dân luôn nhất trí” dẫn đến trước đây không có chuyện dân kiện nhà nước. Mấy năm nay đã có loại tòa chuyên xét xử các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của dân. Tại phiên tòa hai bên quan-dân bình đẳng trước pháp luật. Nếu những năm sau giải phóng, ở TP.HCM chỉ có một đoàn bào chữa viên nhân dân gồm sáu, bảy người để giúp dân bào chữa trước tòa thì nay chỉ riêng TP.HCM đã có đoàn luật sư với gần ba ngàn luật sư chuyên nghiệp giúp công dân trong việc tranh tụng trước tòa, tư vấn pháp luật và giúp đỡ công dân về mặt pháp luật trong quá trình khiếu nại, tố cáo. Tỉnh nào cũng có đoàn luật sư và tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí. Trước đây việc giải quyết khiếu tố là “bí mật”, chỉ diễn ra qua những phiên họp liên ngành, nay đã được công khai, minh bạch qua việc tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa cơ quan nhà nước với công dân...

Làm sao nói cho hết. Ba mươi ba năm một đoạn đường dài - cả nửa đời người. Vượt qua bao khó khăn, trăn trở, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu minh thị trên văn bản và qua thực tế. Nhưng con đường tương lai còn rất nhiều việc phải tiếp tục làm để đổi mới, tổ chức lại cuộc sống của chúng ta cho đàng hoàng hơn, thực tế hơn, công bằng hơn, tự do, dân chủ hơn... Làm sao cho mọi người Việt Nam đều có quyền sống và làm việc trong cuộc đời hạnh phúc, ấm no, tự do thực sự. Suy cho cùng, tất cả những ước mơ đó cũng đều là do ở pháp luật - làm ra pháp luật cho đủ, cho tốt hơn, thể hiện trung thực nguyện vọng chính đáng của dân và tổ chức thực thi pháp luật cho nghiêm minh hơn. Đó là cái mà chúng ta lâu nay thường nói với nhau là “nhà nước pháp quyền”, “xã hội công dân” và cũng là “thần linh pháp quyền” mà Nguyễn Ái Quốc đã đeo đuổi từ những năm hai mươi của thế kỷ trước.

LS TS PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm