Bãi nhiệm thì phải bầu ngay người mới

“Là đại biểu của dân thì chúng ta phải thể hiện ý kiến của nhân dân chứ lại thể hiện ý kiến cá nhân, rồi không đúng với ý kiến nhân dân là rất căng”.

Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) ngày 12-12 về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 35 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Tránh tùy tiện thể hiện ý kiến cá nhân

Trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay để đảm bảo có đầy đủ thông tin cung cấp cho các đại biểu về những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm, dự thảo nghị quyết đã xây dựng theo hướng trước kỳ họp nếu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan trực tiếp đến người được lấy phiếu tín nhiệm tại QH thì gửi cho Ủy ban TVQH để gửi đến đại biểu QH nghiên cứu.

Bãi nhiệm thì phải bầu ngay người mới ảnh 1

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng điều quan trọng nhất là việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm được đúng và trúng với ý kiến của nhân dân. Ảnh: N.Hưng

Bên cạnh đó, sau khi kết thúc năm công tác, những người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm chuẩn bị báo cáo bằng văn bản gửi đến Ủy ban TVQH hoặc Thường trực HĐND. Trong báo cáo đó, các chức danh phải tự nhận xét về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống thể hiện ở việc thực hiện các quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác về chuẩn mực đạo đức có liên quan; kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách... “Đồng thời, những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm phải giải trình về các nội dung được nêu trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và theo yêu cầu của đại biểu QH, đại biểu HĐND được gửi đến người được lấy phiếu tín nhiệm trong năm công tác trước đó” - ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Chưa hài lòng với những hướng dẫn trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng điều quan trọng nhất là việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm được đúng và trúng với ý kiến của nhân dân. Ngoài ra, ông Hùng cũng tỏ ra băn khoăn về yêu cầu MTTQ VN phải tập hợp ý kiến của cử tri về những người thuộc diện lấy phiếu: “Dự thảo viết thế này rất dễ dẫn đến tùy tiện thể hiện ý kiến cá nhân. Hướng dẫn không cẩn thận rồi MTTQ đi lấy phiếu hết kiến nghị của cử tri thì rất mệt”. Ông đề nghị phải hướng dẫn sao cho việc đánh giá của đại biểu được khách quan, công bằng, chặt chẽ. Ví như đến kỳ họp sẽ có tình trạng vận động hoặc tung tin này nọ… Đại biểu có nghi vấn muốn hỏi TVQH phải trả lời.

Phải có phương án thay thế nhân sự

“Việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ tiến hành ngay sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm hay được thực hiện tại kỳ họp tiếp theo của QH hoặc HĐND? Tương tự như vậy, những người qua bỏ phiếu tín nhiệm mà không được quá nửa tổng số đại biểu tín nhiệm thì có đưa ra bỏ phiếu miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức ngay hay lại chờ đến kỳ họp kế tiếp?”. Đó là những băn khoăn của Ủy ban Pháp luật khi xây dựng dự thảo nghị quyết hướng dẫn.

Do đó, tại tờ trình Ủy ban trên đã đề xuất hai phương án. Một: Hướng dẫn cụ thể việc bỏ phiếu tín nhiệm và xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức (nếu có) sẽ được tiến hành vào kỳ họp tiếp theo kỳ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm thời gian chuẩn bị các thủ tục liên quan đến nhân sự. Hai: Không hướng dẫn về nội dung này. Thời điểm tiến hành các quy trình tiếp theo về bỏ phiếu tín nhiệm, chấp thuận cho từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hay phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với từng trường hợp nên giao cho Ủy ban TVQH hoặc Thường trực HĐND trình QH hoặc HĐND quyết định để bảo đảm tính linh hoạt trong công tác tổ chức cán bộ, bố trí, điều chỉnh nhân sự.

Góp ý cho nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng xử lý kết quả theo phương án một là hợp lý vì sẽ có đủ thời gian chuẩn bị bỏ phiếu tiếp theo. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lại cho rằng khi lấy phiếu thì sẽ có hệ quả là phải bỏ phiếu khi có 2/3 số đại biểu không tín nhiệm. Do đó, nếu bỏ phiếu chúng ta phối hợp với các cơ quan của Đảng, Bộ Chính trị để có phương án bố trí người thay thế.

“Hôm sau miễn nhiệm thì chúng ta phải bầu người mới luôn chứ không để lâu như thế. Quyền lực phải liên tục chứ khuyết một chức danh lớn cả một thời gian dài là cả một vấn đề” - ông Hùng nói và đề nghị phải xây dựng quy trình chặt chẽ, sao cho đã bỏ phiếu thì phải làm luôn phương án thay thế nhân sự.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm