Tân Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ:

Bám sát dân, nói tiếng nói của dân

Chiều 8-4, với đa số phiếu tán thành, các đại biểu HĐND TP.HCM khóa IX đã bầu bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, giữ chức vụ chủ tịch HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021 thay bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vừa được miễn nhiệm.

Vinh dự và trách nhiệm lớn

Phát biểu nhậm chức, bà Nguyễn Thị Lệ bày tỏ sự xúc động khi Trung ương, lãnh đạo TP.HCM và đại biểu HĐND TP đã tin tưởng bầu bà làm chủ tịch HĐND TP. “Đây là vinh dự và trách nhiệm lớn lao của bản thân và đồng thời là động lực để rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri, đại biểu, lãnh đạo TP.HCM giao phó” - bà Lệ nói.

Tân Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt về việc làm thế nào giữ vững và tăng cường chất lượng làm việc của HĐND TP trong giai đoạn hiện nay. Bà Lệ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Trung ương, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP… để đưa hoạt động các ban của HĐND TP đạt hiệu quả tốt nhất. “Nhận nhiệm vụ với trọng trách lớn lao, bản thân tôi cùng với các ban HĐND, các đại biểu HĐND TP xin hứa tiếp tục nâng cao chất lượng để đưa HĐND TP trở thành tiếng nói đại diện cho tiếng nói của cử tri TP” - bà Lệ nói và khẳng định trong thời gian tới bà cùng với đại biểu tập trung giám sát để đưa các nghị quyết của HĐND TP đi vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, khẳng định Ban Thường vụ Thành ủy tin tưởng bà Nguyễn Thị Lệ sẽ cùng tập thể HĐND TP luôn nỗ lực, học hỏi, luôn đặt lợi ích của Đảng, đất nước và TP.HCM lên trên hết, đoàn kết, quyết liệt và sáng tạo để phấn đấu quyết liệt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ đó, ông Nhân đề nghị sau kỳ họp này, Thường trực HĐND TP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp của TP ngày càng trong sạch, vững mạnh, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Lệ, tân chủ tịch HĐND TP.HCM, phát biểu nhậm chức. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sáng tạo và dám làm, dám chịu

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ khẳng định Thường trực HĐND TP sẽ tập trung phối hợp với UBND TP và MTTQ TP triển khai các giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn, phát huy tính chủ động, sự sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm... để triển khai ngay công việc như cải cách hành chính, các dự án đầu tư công đúng tiến độ... “Thường trực và các ban HĐND TP sẽ tập trung giám sát chặt chẽ các nghị quyết của HĐND TP để đưa nghị quyết vào cuộc sống” - bà Lệ nói.

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP đã đề ra tám giải pháp trọng tâm để phát triển trong năm nay như tiếp tục khơi dậy và phát huy hơn nữa truyền thống, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân TP trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; tập trung thực hiện 19 nội dung giám sát lĩnh vực kinh tế-xã hội; tiếp tục tăng cường thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy tại các cơ quan, đơn vị nhằm kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị chưa thực hiện tốt...

Về kế hoạch triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, ông Nhân cho biết một trong những việc mà TP làm là xây dựng cơ chế, chính sách bổ sung, điều chỉnh trình HĐND TP để triển khai thực hiện bồi thường, tái định cư cho một số người dân liên quan đến xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao TP.

Chưa thuận thêm người hưởng thu nhập tăng thêm

Tại kỳ họp, các đại biểu cũng đã thảo luận tờ trình của UBND TP về ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 03/2018 về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý.

Nếu tờ trình này được thông qua sẽ có thêm hơn 10.000 người lao động ở TP.HCM được hưởng thu nhập tăng thêm với tổng chi ngân sách khoảng 720 tỉ đồng. Các đối tượng được bổ sung gồm người được tuyển dụng vào công chức, viên chức đang thực hiện chế độ tập sự. Người được tuyển dụng vào làm việc theo chế độ hợp đồng quy định tại Nghị định 68/2000 tại khối sở, ngành, quận, huyện với hơn 8.800 người. Người làm việc tại các hội có tính chất đặc thù, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức được luân chuyển sang giữ các chức vụ chủ chốt, hiện có 197 người.

Thảo luận về tờ trình này, ông Tất Thành Cang, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM”, đề nghị chưa thông qua nghị quyết bổ sung thêm đối tượng hưởng chế độ thu nhập tăng thêm như tờ trình của UBND TP.

Theo ông Cang, khi nghị quyết này ban hành sẽ đặt ra hai trường hợp: Tổng chi không thay đổi nhưng bổ sung đối tượng và nếu bổ sung thêm đối tượng thì tổng chi sẽ thay đổi. “Hai cái này khác nhau. Do đó, để có cơ sở thảo luận, tôi thấy chúng ta cần chặt chẽ hơn bởi vì theo trong dự thảo nghị quyết kỳ này, ở Điều 2 đề cập sửa đổi, bổ sung cho cán bộ chuyên trách ở cấp phường, xã” - ông Cang nói và đề nghị HĐND nên cân nhắc lại, có thể chậm một kỳ họp nhưng khi trình sẽ đầy đủ hơn.

Cũng theo ông Cang, HĐND TP cần nghe kỹ ý kiến của giám đốc Sở Nội vụ về cán bộ thuộc Nghị định 68 để có tính toán, cân nhắc cho trọn vẹn hơn. “Chứ nếu chúng ta ban hành chính sách mà sau khi ra, cán bộ này, cán bộ kia tâm tư cũng khó” - ông nói.

Nhiều đại biểu khác cho rằng việc chi tăng thêm thu nhập cần phải tuân thủ Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM mà trước đó Quốc hội cho phép. Do đó, các đại biểu đã biểu quyết tạm dừng thảo luận và thống nhất sẽ đưa ra trình lại ở kỳ họp sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm