HÔM NAY, TỔNG KẾT NĂM NĂM THI HÀNH LUẬT CÔNG CHỨNG

Bàn giải pháp nâng chất lượng công chứng

Sáng nay (12-3), tại TP.HCM, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết năm năm thi hành Luật Công chứng (LCC) và tổng kết công tác chứng thực để đánh giá kết quả và làm rõ những vướng mắc, bất cập còn tồn tại.

Trong năm năm thi hành LCC, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được gần 7 triệu việc; tổng thu phí công chứng và thù lao công chứng hơn 2.700 tỉ đồng; nộp thuế và ngân sách Nhà nước hơn 977 tỉ đồng. Hiện 60/63 tỉnh, TP đã có văn phòng công chứng (VPCC) theo chủ trương xã hội hóa, riêng Hà Nội có 86 VPCC, TP.HCM có 34 VPCC... Tuy vậy, LCC cũng đã bộc lộ một số bất cập cần sớm sửa đổi.

Thu hẹp việc miễn đào tạo và tập sự

Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp, cho biết: Sau năm năm thi hành LCC, cả nước đã có 1.505 công chứng viên (CCV) được bổ nhiệm. Việc phát triển các VPCC đã góp phần phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng của người dân, xóa tình trạng ùn tắc, quá tải, “cò” công chứng... từng tồn tại nhiều năm qua. Đồng thời, Nhà nước không cần thành lập thêm các phòng công chứng, góp phần giảm bớt gánh nặng biên chế bộ máy và chi ngân sách; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng nghiệp vụ công chứng, chất lượng phục vụ người dân. Các tổ chức hành nghề công chứng phải lấy tiêu chí “phục vụ” và “chất lượng” đặt hàng đầu vì sự tồn tại và phát triển của chính mình.

Bàn giải pháp nâng chất lượng công chứng ảnh 1

Việc phát triển các VPCC đã góp phần phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng của người dân. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục công chứng tại VPCC Sài Gòn, TP.HCM. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 35,7% CCV đã qua đào tạo nghề công chứng; còn lại 64,3% CCV được bổ nhiệm theo diện được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng (thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; luật sư đã hành nghề trên ba năm; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật...). Bà Yến nhận xét chất lượng nguồn bổ nhiệm CCV chưa cao, tiêu chuẩn bổ nhiệm CCV còn thấp nên số lượng CCV tăng cao nhưng chất lượng còn nhiều bất cập, hạn chế. Trong khi đó, công chứng là một nghề đặc thù, chuyên môn sâu, cần những kỹ năng chuyên biệt, do đó việc đào tạo, tập sự có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm cho quá trình hành nghề hiệu quả.

Vì vậy, dự thảo sửa đổi, bổ sung LCC sắp tới sẽ thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề; bỏ quy định miễn tập sự hành nghề mà chỉ giảm 50% thời gian tập sự cho người được miễn đào tạo. Đồng thời, bổ sung quy định kiểm tra kết quả tập sự làm cơ sở đánh giá năng lực nghiệp vụ của các CCV tương lai.

Đảm bảo an toàn cho các giao dịch

Định hướng sửa đổi LCC cũng sẽ bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho các hợp đồng, giao dịch được công chứng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người yêu cầu công chứng, nhất là khi liên quan đến bất động sản. Theo đó, dự luật sẽ quy định rõ trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về các hợp đồng, giao dịch về bất động sản đã được công chứng và việc thực hiện các dịch vụ pháp lý có liên quan. Cụ thể, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu và ban hành quy chế khai thác, sử dụng, cung cấp thông tin, dữ liệu. Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng ban hành Quy chế cung cấp thông tin về đất, nhà giữa các cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà với tổ chức hành nghề công chứng. Cơ sở dữ liệu này là điều kiện quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho việc công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản và các tài sản có giá trị lớn.

Bên cạnh đó, tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng có quyền thỏa thuận về việc tổ chức hành nghề công chứng đại diện cho người yêu cầu công chứng thực hiện các dịch vụ pháp lý sau khi công chứng hợp đồng, giao dịch.

Chấn chỉnh sai phạm, tiêu cực

Theo Thanh tra Bộ Tư pháp, một số VPCC chạy theo lợi nhuận, thực hiện công chứng chưa đúng pháp luật đã gây rủi ro cho hoạt động công chứng và làm ảnh hưởng đến uy tín nghề. Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp địa phương sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm và biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng

Từ năm 2007 đến hết tháng 7-2012, các sở Tư pháp đã phát hiện và xử lý khiển trách, cảnh cáo 24 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công chứng; Thanh tra Bộ Tư pháp tổ chức bảy cuộc thanh tra đối với 66 tổ chức hành nghề, ban hành 29 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 20 tổ chức và cá nhân vi phạm, phạt 63 triệu đồng.

Các hành vi sai phạm chủ yếu: Vi phạm quy tắc hành nghề công chứng; nhũng nhiễu trong thi hành công vụ; công chứng hợp đồng trái pháp luật; mạo danh để công chứng hợp đồng ủy quyền; vi phạm quy trình thực hiện công chứng; công chứng ngoài trụ sở không đúng quy định; thực hiện công chứng hợp đồng không đúng thẩm quyền...

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm