Băn khoăn việc luật hóa BCĐ phòng, chống tham nhũng

Ngày mai (18-9), Ủy ban Thường vụ QH sẽ thảo luận, cho ý kiến về sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Trước đó, Chính phủ đã họp, tham gia ý kiến để hoàn thiện tờ trình cũng như dự thảo luật sửa đổi. Ủy ban Tư pháp của QH cũng đã họp thẩm tra dự luật. Kết quả cho thấy một vấn đề được tranh luận nhiều nhất là có hay không quy định trong luật về Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN theo mô hình mới?

Ba phương án về BCĐ

Cho đến nay, có ba phương án về BCĐ Trung ương về PCTN được đưa ra trong dự thảo Luật PCTN sửa đổi:

Phương án 1, thể chế hóa nghị quyết của Đảng theo cách đưa gần như nguyên văn Nghị quyết Trung ương 5, xác định rõ BCĐ thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động PCTN trong phạm vi cả nước, có Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực. Phương án này được 10 bộ, ngành tán thành.

Phương án 2, không chi tiết như Nghị quyết Trung ương 5, chỉ quy định chung là BCĐ có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc… và giao Ủy ban Thường vụ QH quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của BCĐ. Phương án này được bốn bộ, ngành ủng hộ.

Băn khoăn việc luật hóa BCĐ phòng, chống tham nhũng ảnh 1

Việc luật hóa Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo mô hình mới còn nhiều tranh luận. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết năm năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN

Phương án cuối cùng được sáu bộ, ngành đề nghị, là coi BCĐ, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan của Đảng, hoạt động theo điều lệ, nghị quyết, chỉ thị nội Đảng, không cần quy định trong luật.

Như vậy hai phương án đầu, ở mức độ khác nhau, đều theo hướng có quy định trong luật về BCĐ và được hơn 2/3 bộ, ngành ủng hộ. Tuy nhiên, dự thảo cũng như tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH không thể hiện nghiêng theo phương án nào.

Không cần quy định trong luật?

Tới khâu thẩm tra, các ý kiến ở Ủy ban Tư pháp của QH đều cho rằng không thể luật hóa vấn đề BCĐ dưới bất cứ hình thức nào. Việc tổ chức BCĐ như Nghị quyết Trung ương 5 nêu nên được coi là cách thức đảm bảo sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương với toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác PCTN và tất cả sẽ được điều chỉnh bằng các văn bản, quy định của Đảng. BCĐ Trung ương sẽ chỉ đạo thông qua mạng lưới các tổ chức đảng, như ban cán sự, đảng đoàn, đảng ủy, đảng bộ, chi bộ tại các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống.

Cụ thể hơn, Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng không cần quy định việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế của BCĐ. Cần coi cơ cấu này như một tổ chức của Đảng, thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN, thông qua các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng. Còn về mặt pháp luật, các thiết chế nhà nước như QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, TAND, VKSND, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các cấp cơ quan nhà nước đều có trách nhiệm trong công tác PCTN. Trách nhiệm ấy được thực thi theo đúng chức năng, nhiệm vụ do Hiến pháp, pháp luật quy định cho mỗi cơ quan, tổ chức.

Lập luận như vậy, thực tế coi việc PCTN của Nhà nước phải trên cơ sở pháp luật, còn Đảng vẫn lãnh đạo theo phương thức truyền thống lâu nay, thông qua các tổ chức, cơ sở đảng của mình.

Pháp lý và thực tiễn

Hiến pháp đã quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội nhưng rất ít văn bản luật cụ thể hóa nội dung lãnh đạo này. Cho đến nay, có Luật Cán bộ, công chức đả động chút ít khi điều chỉnh bằng pháp luật với cả cán bộ, công chức làm trong bộ máy Đảng. Luật PCTN hiện hành và các văn bản hướng dẫn thì có mở ra chút tiền lệ, bằng cách quy định về thành phần BCĐ, có cả đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương - một cơ quan đảng thuần túy. Đây cũng là quan điểm của QH khóa X, coi BCĐ là cơ quan của Đảng - Nhà nước. Tương tự, các nghị định của Chính phủ về kê khai tài sản, thu nhập cũng điều chỉnh cả đối tượng là người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan đảng…

Trong thực tiễn, tham nhũng đâu chỉ xảy ra trong các cơ quan, tổ chức nhà nước và đâu phải chỉ đảng viên mới tham nhũng. Không phải đơn vị, tổ chức nào ngoài xã hội cũng có tổ chức, cơ sở đảng trực tiếp lãnh đạo. Do đó, nếu chỉ đạo công tác PCTN chỉ bằng điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng thì e khó tác động trực tiếp được đối tượng ngoài đảng - vốn chỉ chịu điều chỉnh bằng pháp luật.

Các vướng mắc nêu trên cho thấy cần tiếp tục thảo luận nhiều hơn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhà cách mạng lão thành Lê Quang Đạo, Chủ tịch QH khóa VIII, năm 1992, trong một bức thư gửi Bộ Chính trị, với đầu đề “Mấy ý kiến đề nghị về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng”, viết: “Điều 4 Hiến pháp đã thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng rồi. Nhưng nếu có luật cụ thể hóa điều này, định rõ quyền hạn trách nhiệm của các tổ chức đảng đối với Nhà nước, đối với nhân dân thì mới có căn cứ đầy đủ về luật pháp, vừa phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng, vừa ngăn chặn tình trạng coi như quyền lãnh đạo của Đảng là vô giới hạn, đi đến lạm quyền, lộng quyền ảnh hưởng rất xấu tới vai trò và uy tín của Đảng”.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm