Báo chí không thể cung cấp nguồn tin cho công an

Lý do mà Bộ Công an đề xuất là để đấu tranh tốt hơn với tội phạm về tham nhũng. Tôi cho rằng đề xuất này không phù hợp với các nguyên tắc và quy định về việc bảo vệ nguồn tin báo tội phạm trên báo chí và người tố giác tội phạm đã được pháp luật minh định.

Trước tiên, từ thực tiễn tham gia tố tụng hình sự, những hạn chế, vướng mắc trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng không nằm ở chỗ cơ quan tiến hành tố tụng không được cung cấp đầy đủ nguồn tin tố giác tội phạm đăng tải trên các cơ quan truyền thông. Ngược lại, chính từ nguồn tin tố giác tội phạm của báo chí, nhiều vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh.

Về mặt pháp luật, theo quy định, cơ quan điều tra là cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra tất cả các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người đã thực hiện hành vi phạm tội, lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, thay vì truy xét nguồn tin, cơ quan điều tra phải xem xét, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức đã báo tin, kiến nghị, người đã tố giác tội phạm biết và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm…

Như chúng ta đã biết, một trong những căn cứ khởi tố vụ án hình sự là tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đương nhiên, khi tiếp nhận hoặc đăng tải tin báo, tố giác tội phạm trên các phương tiện truyền thông, báo chí, cả cơ quan báo chí và người tố cáo đều có quyền được “yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình” và chịu trách nhiệm về tính trung thực trong nội dung tố cáo. “Người” tiếp nhận tố cáo, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, việc làm, bí mật cho người tố cáo. Điều 8 Luật Tố cáo đã minh thị rất rõ một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo”.

Trong hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo năm 2011, Chính phủ còn yêu cầu “người” tiếp nhận tố cáo phải nghiên cứu, xác định nội dung vụ việc… có biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật thông tin cho người tố cáo. Trường hợp cần thiết có thể lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, đồng thời lưu trữ và quản lý thông tin về người tố cáo theo chế độ thông tin mật.

Chưa hết, trong Thông tư 63/2010, Bộ Công an cũng quy định rõ là khi tiếp nhận đơn tố cáo từ cơ quan báo chí và các cơ quan khác chuyển đến, cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết và quản lý khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự và tố giác tội phạm, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến và trả lời người khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự…

Rõ ràng, các quy định hiện hành không cho phép mở rộng chủ thể yêu cầu cung cấp nguồn tin đăng tải trên cơ quan báo chí mà ngược lại, chỉ có các quy định ngày càng chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ người tố cáo, bảo vệ bí mật nguồn tin tố giác tội phạm của cơ quan báo chí.

Báo chí có nghĩa vụ bảo vệ nguồn tin (người cung cấp thông tin) nên đề xuất trên của Bộ Công an là không phù hợp.

TS PHAN TRUNG HOÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm