Báo chí phải chuyển tải khát khao vươn lên của TP.HCM

Ngày 19-1, Thành ủy TP.HCM tổ chức họp mặt báo chí, xuất bản mừng xuân - mừng Đảng dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tại buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thông tin là TP.HCM vừa phát hiện một chùm ca nhiễm Omicron lây từ cộng đồng trong một gia đình có người từ Khánh Hòa về. “TP.HCM đang khoanh vùng, truy vết thần tốc để ngăn chặn lây lan... Ngành y tế TP.HCM và các cơ quan chức năng đang nỗ lực tối đa” - ông nói.

Ông Nên cho rằng TP.HCM còn rất nhiều thử thách và không thể né tránh được sự xâm nhập của dịch COVID-19 nhưng điều quan trọng là tìm cách để kiểm soát, thích ứng. “Trước đây, chúng ta từng sợ biến chủng Delta và bị “thủng lưới”. Đó là bài học xương máu để trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần nâng cao cảnh giác” - ông Nên nói.

Ông đánh giá: Năm qua TP.HCM và cả nước gặp nhiều mất mát, đau thương nhưng cũng là năm lực lượng báo chí đã dấn thân trong phòng chống dịch. Những người làm báo đã phát huy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp và không do dự xông vào những nơi nguy hiểm nhất.

“Khi mọi hoạt động dừng lại, chỉ còn lực lượng nhà báo, phóng viên, lực lượng tuyến đầu, nhà thiện nguyện phục vụ người dân” - ông nói.

Trong bối cảnh đó, nhiều tòa soạn, đài phát thanh, truyền hình, cơ quan báo chí vẫn hoạt động bình thường, thậm chí còn khẩn trương hơn trước. Nhiều nhà báo, phóng viên, biên tập viên cũng như đội ngũ phục vụ hậu kỳ đã xung kích trên mặt trận truyền thông, vượt qua rất nhiều khó khăn để những chương trình phát thanh, truyền hình, trang báo ra mắt kịp thời, phục vụ nhu cầu thông tin nóng hổi của người dân TP và cả nước.

Khoảng 70 người làm báo trở thành F0, có một người đã không vượt qua được dịch bệnh. “Các phóng viên đã nhiễm bệnh, có người phải cách ly, điều trị nhưng không ai bỏ cuộc. Sự dấn thân của lực lượng báo chí đã thể hiện sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng chung, củng cố niềm tin xã hội và đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái, lan tỏa tinh thần đoàn kết, yêu thương trong hoạn nạn” - ông Nên chia sẻ.

Theo ông, nhiều người đã không kìm được sự xúc động khi xem các bài viết, phóng sự còn nóng hổi về quãng thời gian căng mình chống dịch COVID-19. Những tư liệu đó đã giúp người dân hiểu thêm sự cam go, khốc liệt của đại dịch và những chiến sĩ đã dũng cảm quên mình, bảo vệ sức khỏe người dân.

“TP luôn quan tâm, ủng hộ và tạo mọi điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn các cơ quan báo chí, xuất bản nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho TP.HCM” - ông nói.

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, ông Nên đề nghị các cấp, các ngành cần khắc phục ngay để làm tốt hơn nữa cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí, trên hết là phải thấu hiểu, chia sẻ với phóng viên. Ông mong muốn các cơ quan báo chí, xuất bản tiếp tục dấn thân, thực hiện tốt sứ mệnh truyền thông: “Đồng hành và phản biện”, chuyển tải cho được tinh thần khát khao vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM.

Các cơ quan báo chí cần có nhiều sản phẩm thông tin sâu sắc, nâng cao giá trị của lòng nhân ái, nghĩa tình, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh và tâm huyết của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người; lan tỏa năng lượng tích cực trong mọi đối tượng và thành phần xã hội, nhất là doanh nghiệp, doanh nhân, tầng lớp trí thức, nhà khoa học và những người nước ngoài, quan tâm thế hệ trẻ, khơi dậy khát vọng vươn lên, phục hồi và phát triển TP.HCM.

Ông cho biết TP.HCM đang ra sức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng trong sạch, vững mạnh và có trách nhiệm với nhân dân. Do vậy, các cơ quan báo chí cần ủng hộ, đồng hành xây dựng, thực hiện nội dung này...

 Tại hội nghị, 34 tập thể và 61 cá nhân được nhận giấy khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM vì đã có thành tích trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM năm 2021. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm