Báo chí phụng sự quyền được biết

Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (1948) khẳng định: “Mọi người đều tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các thông tin bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào”. Đó cũng là quyền cơ bản của công dân Việt Nam đã được đề cao trong thời kỳ đổi mới ở nước ta: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; “Công dân có quyền được thông tin” (Điều 69 Hiến pháp 1992).

“Được biết” là quyền cơ bản của dân

Báo chí là người đưa tin đắc lực để phụng sự quyền được biết của công dân. “Công dân có quyền được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới” (Điều 4 Luật Báo chí 1999). Do đó, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho báo chí. Luật Báo chí nêu rõ: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin” (Điều 7).

Quyền được cung cấp thông tin còn hạn chế

Tuy Luật Báo chí có quy định như trên nhưng trong thực tế, các quy định ấy chưa được một số cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh. Đặc biệt là trong các lĩnh vực chống tiêu cực, có lúc, có nơi không những tổ chức, cá nhân không sẵn sàng hợp tác cung cấp thông tin mà còn làm khó dễ, thậm chí đe dọa, hành hung, cầm giữ nhà báo, xúc phạm, thu giữ phương tiện tác nghiệp của nhà báo, cản trở nhà báo hoạt động đúng pháp luật...

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được Chính phủ ban hành từ tháng 5-2007 nhằm tạo đầu mối thông tin kịp thời, chính xác. Tuy nhiên trong thực tế, việc thực hiện quy chế đã gây ra cho nhà báo khá nhiều phiền phức, trở ngại. Quy chế dành quyền phát ngôn cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được người đứng đầu giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin thường là chánh văn phòng. Nhưng lúc nào người thủ trưởng, đứng đầu cũng đa đoan công việc, khó tiếp xúc; còn chánh văn phòng thì chỉ biết khái quát, không rành rẽ được hết công vụ của từng bộ phận cơ quan chuyên môn...

Trong hoạt động nghề nghiệp có những bí mật mà báo chí không được thông tin, chủ yếu là bí mật nhà nước và bí mật đời tư của công dân. Song trong đời sống văn minh hiện đại, phạm vi bí mật nhà nước có xu hướng thu hẹp tới mức tối đa theo quy định của pháp luật để nhường chỗ cho công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi giúp báo chí góp phần bảo đảm các quyền cơ bản của con người. Bởi trong cơ chế quản lý mà “mật” tràn lan thì nhà báo dễ gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại khi tác nghiệp.

Để báo chí là món ăn tinh thần bổ ích

Quan hệ báo chí trong xã hội sẽ trở nên tốt đẹp khi nào có sự cộng tác, phối hợp hài hòa giữa các chủ thể: người cung cấp thông tin (cơ quan nhà nước...), người được cung cấp thông tin (báo chí, nhà báo) và người được thông tin (quần chúng nhân dân). Vì nếu không có mối quan hệ tốt đẹp ấy thì dễ có tranh chấp xảy ra, có thể dẫn các chủ thể vào vòng tố tụng trước tòa án do nội dung thông tin không phù hợp pháp luật, phiến diện, không kịp thời, thiếu chính xác...

Hiện nay trên thế giới, quyền được biết của công dân ở nhiều nước đã được pháp điển hóa dưới hình thức đạo luật của Quốc hội - luật báo chí và luật tiếp cận thông tin. Trong xu hướng đổi mới và hội nhập đời sống quốc tế, nhà nước ta cũng sắp ban hành và sửa đổi, bổ sung hai đạo luật này. Một vấn đề quan trọng hơn hết là phấn đấu xóa dần khoảng cách giữa những quy phạm pháp luật trên giấy và thực tiễn cuộc sống hằng ngày để làm sao cho báo chí xứng đáng là món ăn tinh thần thực sự bổ ích, đồng thời là công cụ bảo đảm hữu hiệu quyền dân chủ của nhân dân.


Phản hồi của bạn đọc:

Họ tên: Trần Đức Thịnh

Địa chỉ: Huyện Châu Thành, Tỉnh Tiền Giang

Điện thoại: 0918997..., 073.3604...

Email: ducthinh.cttg@...

Nội dung:

Khôi hài khi đi nắm rõ lại thông tin cho chính xác, trung thực thì phiền toái luôn luôn ẩn mình cản trở nhà báo khi tác nghiệp (chủ đề chính cũng là phải gặp được người phát ngôn). Từ đó, hầu như nhiều phóng viên, cộng tác viên phải mất thêm thời gian (đúng ra thì không cần phải có) để tìm hiểu thêm ở những người dân. Một hành trình đi thu thập rõ chứng cứ cũng chẳng khác nào là một nhân viên điều tra. Có khi còn bị nhục mạ một cách thậm tệ. Khi gặp được người chịu cung cấp thông tin thì cũng như không có. Còn liên khúc lãnh đạo bận họp, đi công tác thì đếm không thể hết nổi.

LS-TS PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm