Bỏ HĐND quận, huyện: Sửa hiến pháp mới áp dụng trên cả nước

“Chưa sửa hiến pháp thì chưa áp dụng bỏ HĐND quận, huyện, phường trên phạm vi cả nước”. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khẳng định khi cho ý kiến về đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 để thực hiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường mà Chính phủ nêu ra trong phiên họp ngày 18-9.

Bước đầu tinh gọn bộ máy…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã trình bày báo cáo về tổng kết bước một việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Theo đó, tại các địa phương thực hiện thí điểm, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và thực hiện thông qua đại biểu QH, đại biểu HĐND tỉnh; hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu QH, đại biểu HĐND tỉnh, TP được tăng cường.

Cạnh đó, sự tham gia của nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước được bảo đảm và tiếp tục mở rộng dưới nhiều hình thức: Tổ chức tiếp công dân, gửi các kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan, cán bộ, công chức; tham gia đối thoại trực tiếp giữa nhân dân với chính quyền… Trong thời gian thí điểm, các huyện, quận, phường chú trọng việc tiếp công dân, bước đầu tinh gọn bộ máy, giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính…

“Các tỉnh, TP đang thực hiện thí điểm đề xuất sớm mở rộng việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong phạm vi cả nước” - Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho biết.

Bỏ HĐND quận, huyện: Sửa hiến pháp mới áp dụng trên cả nước ảnh 1

Quận 1, TP.HCM là một trong những nơi thí điểm không tổ chức HĐND. Ảnh: HTD

Từ kết quả trên, Chính phủ đề xuất Ủy ban TVQH chọn một trong hai phương án: Tại kỳ họp tới, QH xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 liên quan đến HĐND để thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5-2011; hoặc đề nghị trong kỳ họp tới, QH ra nghị quyết mở rộng phạm vi thí điểm từ 10 lên 20 tỉnh, thành.

Sẽ báo cáo Bộ Chính trị

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đánh giá đề xuất sửa hiến pháp để không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường trên phạm vi cả nước của Chính phủ là tích cực. Một bước đi thích hợp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, để thực hiện thì việc sửa hiến pháp và các đạo luật có liên quan phải hoàn thành trước năm 2010.

“Đây là công việc không hề đơn giản, riêng về quỹ thời gian cho việc nghiên cứu chuẩn bị cũng đã là thách thức lớn, đó là chưa nói đến thiết chế HĐND là một thiết chế dân chủ, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Người dân thông qua đó thực hiện quyền làm chủ trong nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Chính vì vậy, việc sửa đổi hiến pháp liên quan đến việc không tổ chức HĐND cần được nghiên cứu kỹ, phải lấy ý kiến của nhân dân. Tôi đề nghị không thực hiện phương án bỏ đồng loạt HĐND quận, huyện, phường mà chỉ nên tiếp tục thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh, TP, không mở rộng ra các địa phương khác” - ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, nói.

QH sẽ có nghị quyết về thực hiện công tác bầu cử ở các địa phương theo hướng không bầu cử HĐND cấp huyện, quận, phường tại những địa phương đang thực hiện thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường. Chiều 18-9, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH và luật bầu cử đại biểu HĐND như trên.

Tán thành với đề xuất trên, cả ông Trần Thế Vượng (Trưởng ban Dân nguyện) và ông Lê Quang Bình (Chủ nhiệm Ủy ban An ninh-Quốc phòng) cho rằng từ nay đến cuối năm không thể sửa hiến pháp vì quỹ thời gian quá ngắn, QH phải chuẩn bị cho kỳ họp tới (từ 20-10 đến 27-11) nên chắc chắn năm nay không kịp sửa hiến pháp. “Sửa hiếp pháp cần một trình tự, thủ tục đặc biệt. Phải sau Đại hội Đảng chúng ta mới có thể làm được, không thể làm ngay bây giờ” - ông Bình nói.

Với quan điểm của các đại biểu như trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn phân trần: Chính phủ phải đưa phương án trên ra xin ý kiến QH vì nó liên quan đến việc bầu cử HĐND sắp tới. Nếu sau này chúng ta mới sửa hiến pháp, mới cho áp dụng thì bầu cử đại biểu HĐND sắp tới đây sẽ như thế nào? Nếu vẫn tiến hành bầu bình thường, sau khi sửa hiến pháp và chúng ta thực hiện trên phạm vi cả nước thì giải quyết những trường hợp vừa được trúng cử HĐND cấp quận, huyện, phường ra sao?” - ông Tuấn bày tỏ.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đề nghị chủ tịch QH báo cáo với Bộ Chính trị về những nội dung trên.

Gút vấn đề, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho biết: Sắp tới Bộ Chính trị sẽ nghe về vấn đề này. Tuy nhiên, chỉ khi nào sửa hiến pháp mới thực hiện được đại trà việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm