Bộ máy nhà nước phải hướng đến dân chủ, pháp quyền

Tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước là vấn đề được xem xét kỹ lưỡng trong việc sửa đổi Hiến pháp tới đây. Đây cũng là một trong những trọng tâm sẽ được thảo luận tại Hội thảo khoa học “Tổ chức bộ máy nhà nước, chế định kinh tế, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1992 - Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung”do Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức, khai mạc tại TP.HCM sáng nay (23-7).

. Phóng viên: Có ý kiến cho rằng tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp hiện nay còn mang tính tập trung, quan liêu. Điều này không tương thích với yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

+ TS Đỗ Minh Khôi: Về nguyên tắc, cần phải có sự tương thích giữa bộ máy nhà nước và nhà nước nói chung với tính chất của nền kinh tế. Khi ấy vấn đề cần phải được xem xét có lẽ là mức độ bắt nhịp của tốc độ thay đổi của nhà nước và bộ máy nhà nước với tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường (định hướng XHCN). Hơn nữa, trong thời gian gần đây, bộ máy nhà nước hiện đại nói chung cần phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Ví dụ, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa kinh tế, các vấn đề chính trị, xã hội, môi trường…. Do vậy, sự thay đổi của nhà nước hiện đại xuất phát từ nhiều sự thay đổi, đành rằng trong đó kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Về bộ máy Nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp 1992 sửa đổi, có nhiều đánh giá cho rằng có thể thành công ở một số mặt nhất định nhưng trước những thay đổi về kinh tế-xã hội nói chung ở Việt Nam và trên thế giới, đúng là có những mặt chưa thể đáp ứng được.

Bộ máy nhà nước phải hướng đến dân chủ, pháp quyền ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trong Hội nghị tham gia lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Nhà nước phải cộng tác với xã hội

. Theo ông, Hiến pháp cần sửa đổi về tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng nào để phù hợp hơn?

+ Như trên đã nói, xã hội hiện đại có những thay đổi rất nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Do vậy, việc tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước với tư cách là một trong những vấn đề quan trọng nhất của hiến pháp, thậm chí của toàn xã hội, phải đáp ứng những yêu cầu của sự thay đổi liên tục và nhanh chóng. Một điều rất quan trọng là tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước phải đạt được nhiều mục tiêu chứ không phải chỉ một. Ví dụ, ba mục tiêu cơ bản nhất là bảo đảm dân chủ, bảo đảm pháp quyền, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả.

Như vậy, hướng chung là việc tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước phải hướng đến dân chủ, pháp quyền và hiệu quả. Đây là vấn đề rất khó nhưng không thể né tránh và cũng không thể cắt giảm các mục tiêu này. Phải cân đối các mục tiêu này, nhấn mạnh thái quá một mục tiêu nào đó sẽ có nguy cơ bị lạm dụng.

Một vấn đề quan trọng là nhận thức cũng nên có thay đổi nhất định. Quan niệm về nhà nước làm gì, không làm gì, điều đó ảnh hưởng đến việc tổ chức và vận hành, xác lập mối quan hệ đối với xã hội. Trong điều kiện thế giới thay đổi và khó đoán định, nhà nước gánh trách nhiệm quá lớn là không cần thiết và quá rủi ro.

Chính vì vậy, quan niệm về chức năng của nhà nước từ chỗ là người giữ trật tự đến vai trò cung cấp dịch vụ cơ bản (nhà nước phúc lợi) và hiện nay, vai trò, chức năng của nhà nước hiện đại là điều tiết. Vì thế, nhà nước cần chia sẻ trách nhiệm với xã hội, hợp tác, cộng tác với xã hội, tạo môi trường để phát huy sức mạnh tổng hợp của xã hội. Nếu quan niệm như vậy, có lẽ cũng có những thay đổi nhất định trong tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước và quyền lực chính trị.

Mức độ pháp quyền chưa cao

. Hiến pháp sửa đổi bổ sung năm 2001 có một điểm nhấn hết sức quan trọng, khi ghi nhận nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tổ chức bộ máy nhà nước theo như Hiến pháp hiện nay là chưa phù hợp với nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Vậy sự chưa phù hợp ấy nằm ở đâu?

+ Yêu cầu quan trọng và xuyên suốt trong lịch sử phát triển của tư tưởng và trở thành học thuyết pháp quyền nói chung là sự kiểm soát quyền lực nhà vua và sau này là nhà nước, bằng một hệ thống pháp luật công bằng, tiến bộ và bảo vệ các quyền cơ bản của cá nhân.

Để hạn chế sự lạm dụng quyền lực, yêu cầu cơ bản của tư tưởng về nhà nước pháp quyền là: Pháp luật phải tối thượng; nhà nước phải quản lý bằng pháp luật; nhà nước bị hạn chế bởi pháp luật; pháp luật phải công bằng và tiến bộ; phải có cơ chế bảo vệ sự tối thượng của pháp luật theo nghĩa là vi phạm phải bị xử lý và pháp luật phải có hiệu lực áp dụng chứ không phải trên giấy tờ. Nhà nước pháp quyền XHCN có tính chất, đặc thù gì đi nữa cũng không thể nằm ngoài những yêu cầu này.

Hiện nay, đánh giá mức độ pháp quyền cũng có nhiều cách và căn cứ trên những tiêu chí khác nhau, tuy nhiên nhìn chung điểm số cho mức độ pháp quyền ở Việt Nam chưa cao. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng trong đó có một nguyên nhân quan trọng ở việc tổ chức và vận hành quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Bởi lẽ, tư tưởng về nhà nước pháp quyền nhấn mạnh mối quan hệ giữa nhà nước và quyền lực nhà nước với pháp luật.

Mấu chốt là kiểm soát quyền lực

. Theo ông, Hiến pháp lần này cần sửa đổi những điểm mấu chốt nào về tổ chức bộ máy nhà nước để phù hợp với những yêu cầu của nhà nước pháp quyền?

+ Điểm mấu chốt có lẽ là quyền lực nhà nước phải có sự kiểm soát ở bất cứ nhánh nào và hệ thống nào. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai kiểm soát ai, cơ quan nào kiểm soát cơ quan nào, cơ chế nào? Theo quan điểm cá nhân, yêu cầu của nhà nước pháp quyền cũng như những yêu cầu đặt ra trong các văn kiện của Đảng gần đây đã cho thấy rõ hướng sửa đổi, hoàn thiện việc tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, để bảo đảm tính đồng bộ, có lẽ những điều cần làm không chỉ trong việc tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước mà phải có những điều chỉnh cần thiết trong tổ chức và vận hành quyền lực chính trị nói chung.

Tóm lại, quan điểm xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong văn kiện của Đảng là đáp ứng nội dung cơ bản của yêu cầu pháp quyền và dân chủ. Điều này cũng phản ánh sự thiếu vắng ở mức độ nào đó sự kiểm soát quyền lực trong cơ chế hiện tại. Tuy nhiên, tôi cũng cảnh báo là sự điều chỉnh phải tương thích với mô hình thể chế. Nhiều quan điểm kiến nghị điều chỉnh đối với một cơ quan cụ thể mà thái quá có khả năng thay đổi mô hình thể chế, trong khi đó thay đổi mô hình thể chế là vấn đề rất lớn, có thể ảnh hưởng đến toàn xã hội trong một thời gian rất lâu.

. Xin cảm ơn TS.

MINH CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm